Chuyện lạ về ngôi đình “sinh con trai“

Google News

(Kiến Thức) - Hằng năm cứ đến ngày mồng 6/2 âm lịch, dân làng Sơn Đồng tổ chức lễ hội giật bông. Những thanh niên khoẻ mạnh trong làng đều tụ tập về đình để tham dự. Điều kỳ lạ rằng từ xưa đến nay ai giật được cây bông sẽ sinh con trai.

Đình làng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) thờ tự ai, ai là Thành hoàng của làng vẫn là điều bí ẩn đối với người dân nơi đây. Nhưng những tục lệ có hàng trăm năm của dân làng đều gắn liền với ngôi đình. Hằng năm cứ đến ngày mồng 6/2 âm lịch, dân làng Sơn Đồng tổ chức lễ hội giật bông. Những thanh niên khoẻ mạnh trong làng đều tụ tập về đình để tham dự. Điều kỳ lạ rằng từ xưa đến nay ai giật được cây bông sẽ sinh con trai.

Truyền thuyết đình Sơn Đồng

Cụ Nghiêm Quốc Đạt (75 tuổi), thủ văn đình Sơn Đồng bức xúc cho biết: "Các cụ cao niên trong làng rất buồn khi đọc được cuốn sách nói về lịch sử của đình làng như sau: Đình làng thờ Vương Thanh Cao là một học trò nghèo, khi đi qua Sơn Đồng đói và khát liền rẽ vào vườn cà trẩy một quả để ăn. Chẳng may bị chủ vườn cà bắt được dùng đòn gánh đánh vào chỗ phạm nên chết. Do chết vào giờ linh nên dân làng lập đình thờ. Trong ngày lễ hội mồng 6/2 âm lịch hằng năm lễ vật dâng thánh "bánh dày bánh cuốn" là biểu tượng cho quả cà và chiếc đòn gánh. Ngoài ra, trong tâm thức của cư dân Sơn Đồng thì đức Thánh Đào Trực về đất Sơn Đồng mở trường dạy học, truyền đạt kiến thức cho nhân dân, chữa bệnh cứu người và khi ông mất được tôn làm Thành hoàng làng".

Theo cụ Đạt, truyền thuyết đó do chính UBND huyện Hoài Đức thu thập tư liệu và in thành sách. Đó là điều suy diễn vô căn cứ. Sách giáo khoa viết: Tháng giêng thì vỡ ruộng ra, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà. Tháng năm mới có cà, tháng hai lấy cà đâu mà ông Vương Thanh Cao đi ăn trộm. Ngày xưa bốn mùa ứng với trái cây của từng mùa. Truyền thuyết trên dân làng Sơn Đồng không thể chấp nhận được.

Đình làng Sơn Đồng. 

Đình làng Sơn Đồng thờ Hai Bà Trưng?

Theo những tư liệu viết bằng chữ Nho mà cụ Đạt thu thập được, đình làng Sơn Đồng có ít nhất từ thời Hai Bà Trưng (năm 30 - 40 sau Công nguyên). Trong ngọc phả đền Thượng và chùa Diên Phúc của làng ghi: "Sau chiến thắng quân Minh Lê Lợi qua đất Sơn Đồng thấy có đền và miếu, mới gọi cố lão bản trang để hỏi. Mọi người tâu rằng, làng chúng tôi thờ hai vị. Vị thứ nhất là Đương Cảnh Thành hoàng tự Hùng triều, vị thứ hai là Thái phó thời Tiền Lê. Cả hai vị này có cách đây cũng phải hàng nghìn năm. Nghe xong Lê Lợi đã cho dân làng hai hũ vàng để sửa chữa, tôn tạo đền chùa”.

"Trước đây trong dịp sửa chữa đình chúng tôi đào được một tấm bia ghi rõ: Năm Duy Tân thứ 7 (1913) hai thôn quyết định tu sửa mả rồng, long mạch chạy dài về đình, không ai được làm thương tổn, đứt đoạn. Từ nay về sau cấm đào bới, ai không tuân theo sẽ bị thần linh tru diệt''. Trên nghi môn của tấm bia có hàng chữ đại tự Thánh Hậu Vương Từ. Điều đó cũng là cơ sở đình làng thờ là người nữ giới", cụ Đạt cho biết.

Theo tư liệu cụ Đạt thu thập được, làng Sơn Đồng có nhánh sông Hát chảy qua. Có thể cuộc chiến đấu với quân Mã Viện thất bại Hai Bà Trưng đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Dân làng lập đình thờ tôn Hai Bà Trưng làm Thành hoàng làng. Trong đình hiện nay còn có tấm yếm, áo đào. Hai bên thanh phong có hai con phượng. Một bên là lương có bông lúa tượng trưng, một bên là cây gậy tượng trưng cho binh khí. Đình làng có 7 sắc phong, đời vua Quang Trung thứ 6 có nói về nữ tướng.

GS Hoàng Phương (Hội Vật lý Việt Nam) từng về thăm đình và cho rằng đình làng Sơn Đồng thờ Thành hoàng làng là nữ tướng. Cụ Đạt bảo: "Có thể khi xây đình thờ Hai Bà Trưng dân làng không dám đặt tên cho đình, vì sợ quân Mã Viện biết được sẽ đến phá hoại".

Tranh nhau cây bông trong lễ hội. (Ảnh tư liệu).

"Giằng được bông sẽ đẻ con trai"

Cụ Phan Văn Năm, thủ từ đình Sơn Đồng cho biết: "Tôi làm ở đây gần 20 năm, chỉ biết đình thờ Thành hoàng làng, chúng tôi không biết vị thánh đó là ai. Bởi sử sách bị thất lạc, các sắc phong không ghi rõ thời nào. Từ xưa đến giờ năm nào dân làng chúng tôi lấy ngày 6/2 âm lịch tổ chức lễ hội, thờ cúng Thành hoàng làng".

Theo cụ Năm, tục giằng bông của làng có từ xa xưa. Từ chiều mồng 4 hai thôn Nội và Ngoại phải phân công người đi kén chọn, mỗi thôn một cây bông. Cây bông là một đoạn tre đực tươi dài đủ 5 đốt lấy theo ngũ phúc. Cây tre được chọn phải là cây có ngọn, đủ lá. Thân thẳng, không kiến, không muội, không bị cộc ngọn, da xanh óng ả, cây phải ở giữa khóm. Khóm tre đó phải là khóm tre của gia đình đủ phúc đức, hòa thuận, không có đại tang.

Gia đình được chọn tre thường sẵn sàng dâng tiến. Đoạn tre được chọn đem cạo sạch tinh, từ giữa hai mấu tre người ta tước ập vào, bọc xung quanh mấu thành một đám bông tướp tre xù tròn lên nhuộm phẩm ngũ sắc. Hai cây bông được rước lên bàn thờ Thành hoàng làng, biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần của dân làng. Sau khi tế lễ xong khoảng 12 giờ trưa, cụ cao niên nhất trong làng sẽ xin Thành hoàng làng, mang cây bông tung giữa sân để mọi người giằng nhau.

Anh Nguyễn Văn Đức là người may mắn khi giằng được cây bông
“sinh con trai”. 

Cụ Năm bảo: "Giằng bông thu hút sự quan tâm của mọi người trong làng, từ người già đến trẻ con đều muốn tham gia phần thi này. Từ xưa xưa ông bà chúng tôi đều nghiệm rằng, người đàn ông nào cướp được cây bông trong lễ hội thì sẽ sinh được con trai. Gia đình gặp nhiều điều may mắn. Chính vì thế từ già đến trẻ đều dốc sức, tranh giành hy vọng sẽ giằng được cây bông. Mọi người giành giật nhau có năm đến 7 ngày, 7 đêm mới tìm ra được người thắng cuộc".

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Đình Sở (xóm thượng, thôn Nội), người trước đây từng giằng được cây bông. "Lễ hội đó cũng diễn ra cách đây 30 năm, khi đó tôi sinh được hai người con gái. Mọi người trong gia đình bảo cây bông trong lễ hội là thiêng lắm, năm nay chú cố gắng ra đình giành lấy cây bông, may ra năm tới sẽ sinh được con trai. Nghe mọi người khuyên, đến lễ hội tôi cũng ra tranh giành quyết liệt với đám thanh niên trong làng. Sau bao nỗ lực, quyết tâm cuối cùng tôi đã thắng trong lễ hội đó. Năm sau vợ tôi mang bầu và sinh được thằng cu kháu khỉnh", ông Sở kể.

"Trong lễ hội không thể thiếu được bánh cuốn, bánh dày và thịt trâu nướng. Tất cả các món ăn đó dân làng phải chuẩn bị trước cả tháng để làm lễ cúng Thành hoàng làng. Đó đều là các món ăn xưa kia Hai Bà Trưng dùng để khao quân”.
Cụ Nghiêm Quốc Đạt (thủ văn đình Sơn Đồng) 

"Từ bao đời nay, chúng tôi cũng chỉ biết đình thờ Thành hoàng làng, không biết thánh tên là gì. Từ xưa thanh niên nào trong làng giật được cây bông trong lễ hội, sẽ đẻ con trai. Tuy nhiên trước đây thì mọi người để cho việc tranh cướp cây bông được tự nhiên, ai khoẻ người đó thắng. Nhưng hiện nay, các thôn trong làng có sự liên kết, phối hợp với nhau. Trước khi tranh cướp sẽ thống nhất, ưu tiên cho người nào đó đoạt được cây bông. Vì thế, tục lệ này không còn hấp dẫn như trước.
Bà Trịnh Thị Sơn (Trưởng thôn Đình)

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Đức Lợi

Bình luận(0)