Kỳ 1: Ông đồ gàn và ngôi nhà cổ vô giá
Chúng tôi đi lòng vòng mãi trong các ngõ ngách, qua cả khu di chỉ quốc gia Gò Mun mới tìm thấy nhà ông Kiều Văn Phú, nằm trên một gò đất cao ráo, sạch sẽ, thuộc khu 8, xã Sơn Dương (Lâm Thao, Phú Thọ). Ngôi nhà ngói 5 gian, dài ngoằng. Xung quanh ngôi nhà cổ của Tổng Cóc thấp lè tè, cũ kỹ này là những ngôi nhà 2-3 tầng với bê tông cốt thép sừng sững.
Hơn chục năm trước, làng xóm coi vợ chồng ông giáo Phú thuộc hạng nghèo khổ lắm, vì cứ nhìn vào ngôi nhà là biết, nó cũ kỹ, mốc thếch. Nhưng sau khi ngôi nhà được công bố rộng rãi là của ông Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì dân làng lại nhìn ông với con mắt khác. Họ coi ông là tỉ phú.
Ối người gạ đổi biệt thự để lấy ngôi nhà của ông. Họ hy vọng có được ngôi nhà rồi, sẽ tha hồ hét giá tỉ lớn, tỉ bé với con cháu ông Tổng Cóc. Tuy nhiên, ông chả ham nhà to, nhà cao, chỉ thích ở ngôi nhà tổ tiên để lại. Vậy nên người ta lại quay ra gọi ông là giáo Phú "gàn", vì không bán quách ngôi nhà đi kiếm bạc tỉ tiêu cho sướng.
Ông giáo Phú đã ngoài 80 tuổi, tóc rụng gần hết, còn vài sợi lơ phơ trắng như cước. Ngồi trò chuyện mấy tiếng đồng hồ, thấy lúc nào ông cũng cười tươi. Sự thanh thản trong ông hiện rõ trên từng nét mặt. Trông tướng ông đủ biết ông chẳng phải người ham tiền, nên chuyện người ta muốn mua ngôi nhà của ông với giá tiền tỉ mà ông không bán, cũng là điều dễ hiểu.
|
Ngôi nhà nghi của ông Tổng Cóc. |
Ông Phú bảo, từ bé ông đã nghe ông nội, rồi cha mình kể lại rằng, đây chính là ngôi nhà tổ tiên mua lại của con cháu ông Tổng Cóc, một đại phú hào ở làng Tứ Xã. Chuyện ấy những người trong họ đều biết, nhưng không ai quan tâm mấy, vì ai cũng trông thấy nó chỉ làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương, chứ có dát vàng, dát bạc gì đâu mà quan tâm.
Còn ông Tổng Cóc, bà Hồ Xuân Hương, thì cũng có... nghe nói, chứ mấy đời rồi, con cháu, họ hàng nhà ông chỉ cắm mặt xuống đồng ruộng, có mê thơ ca gì đâu mà biết nhiều chuyện về ông Tổng Cóc với bà Xuân Hương.
Chuyện chỉ ầm ĩ khi cố nhà nghiên cứu sử Dương Văn Thâm, người âm thầm thu thập thông tin mấy chục năm trời về ông Tổng Cóc, bà Xuân Hương cùng thơ ca của bà, công bố với các nhà khoa học.
Nhận được tài liệu nghiên cứu của cụ Thâm, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn lập tức vào cuộc nghiên cứu và công bố rộng rãi trong dư luận, để rồi, người ta phải mở cả một hội thảo để nhìn nhận lại những tài liệu chính thức viết về ông Tổng Cóc và bà Hồ Xuân Hương.
|
Ông giáo Kiều Phú hiện sở hữu ngôi nhà nghi của ông Tổng Cóc. |
Cũng chính từ những công bố đó mà ngôi nhà ông giáo Kiều Văn Phú đang ở trở nên nổi tiếng khắp tỉnh Phú Thọ. Hàng trăm nhà khoa học, nhà văn hóa, hàng chục giáo sư, tiến sĩ đã cất công về nghiên cứu, mày mò, soi từng bậu cửa tìm thông tin. Hàng đoàn xe ca chở các em học sinh trong tỉnh đến xem nhà ông Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm, khiến ông giáo Kiều Phú bận rộn từ sáng đến tối.
Ông giáo Phú kể, chuyện mua ngôi nhà này xảy ra 150 năm trước. Ngày đó, con cháu ông Tổng Cóc kém tài, nhưng vẫn thừa hưởng tính ăn chơi phóng khoáng của ông Tổng Cóc nên lâm cảnh bần hàn. Không có tiền ăn chơi, đám con cháu mang đồ đạc của cụ để lại bán dần đi.
Trong số những tài sản mà đám con cháu cụ Tổng Cóc bán đi, hiện vẫn còn rõ nhất là hai chiếc lộc bình được cất giữ ở nhà anh Bùi Văn Thắng. Cụ 4 đời của ông Kiều Phú là cụ Kiều Quảng, khi đó là Chánh tổng, giàu có nhất làng Tứ Xã, đã bỏ một số tiền rất lớn mua lại ngôi nhà và toàn bộ tài sản.
Sau khi cụ Chánh tổng Kiều Quảng mất, ngôi nhà được giao lại cho cụ Kiều Đại, cụ Kiều Đại mất thì cụ Kiều Thuần thừa kế. Và hiện tại, ngôi nhà thuộc sở hữu của ông giáo Kiều Phú.
Ông giáo Kiều Phú nhớ rõ, ngày còn nhỏ, ngôi nhà còn đầy đủ sập gụ, tủ chè, án gian, lư hương, đỉnh đồng, hoành phi, câu đối, vài bộ lộc bình, bàn ghế, đặc biệt là hai bộ phản lim rất lớn... Tuy nhiên, những thứ đó đã bị thu sạch từ mấy chục năm trước do gia đình ông bị quy là địa chủ.
Năm 1971, vỡ đê sông Hồng, nước ngập khắp nơi, người chết nổi lềnh phềnh, nhà cửa bị dòng lũ cuốn sạch. Điều lạ là ngôi nhà của cụ Tổng Cóc này vẫn vững như bàn thạch, chỉ có một nửa mái trước lợp ngói âm dương bị lũ xô mất. Chính vì vậy, trên mái ngôi nhà hiện tại, một nửa vẫn là ngói cũ, một nửa là ngói mới, nhãn hiệu Hương Canh.
Sau khi lũ rút đi, gia đình, dòng họ ông Kiều Phú dỡ nhà (ngôi nhà ở làng Gáp) vận chuyển qua cánh đồng chiêm trũng sang làng Sơn Dương (hiện thuộc xã Sơn Dương) để dựng lại trên một gò đất cao. Cả họ Kiều đã tập trung nhiều ngày đắp thêm đất để tôn cao nền nhà nhằm tránh lũ hàng năm. Hiện tại, trên xà nhà và các bức vách vẫn còn rõ ràng lớp phù sa mỏng.
Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ vàng tâm. Đây là một loại gỗ có màu vàng thơm, thớ mịn, không mối mọt, khi khô không bị nứt nẻ, biến dạng. Những bộ phận không quan trọng thì được làm bằng lõi gỗ mít.
Đáng chú ý nhất là chiếc ngưỡng (bậu) cửa ra vào dài hơn chục mét, được trạm trổ cầu kỳ, hình lưỡng long chầu nguyệt, rất phá cách và chơi ngông.
Hiện tại, trên bức vách bằng lõi mít, phía bên phải phòng chính vẫn còn những dòng chữ được cho là của bà Hồ Xuân Hương đã ngẫu hứng "mài mực, đề thơ". Nội dung dòng chữ: "Thảo lai băng ngọc kính/ Xuân tận hóa công hương"; và "Độc bằng đan quế thượng/ Hảo phóng bích hoa hương".
Cụ Dương Văn Thâm dịch nghĩa bốn câu này như sau: "Tấm gương trong trắng ví như người con gái trong trắng/ Nhưng hết tuổi xuân sắc rồi thì thợ trời cũng chịu (không níu giữ được)/ Chỉ còn biết dựa vào phúc đức, con cháu/ (Thì khi ấy) hương thơm sẽ tỏa đi khắp muôn nơi".
Kho báu vật cổ trong ngôi nhà 250 tuổi ở Hội An Kho báu vật cổ trong ngôi nhà 250 tuổi ở Hội An
Ngắm loạt nhà cổ trăm tuổi ở Nam Bộ Ngắm loạt nhà cổ trăm tuổi ở Nam Bộ
Cụ Dương Văn Thâm đã phân tích kỹ lưỡng, so sánh những câu thơ này và cho rằng đó chính là khẩu khí của Hồ Xuân Hương! Thời gian qua, rất nhiều nhà nghiên cứu về bôi thuốc hiện màu vào để đọc, chụp, nên những dòng chữ bị mờ đi rất nhiều.
Sau khi ngôi nhà của ông giáo Kiều Phú được khẳng định là của cụ Tổng Cóc, con cháu cụ Tổng Cóc ở xã Tứ Xã đã họp nhau bàn cách mua lại ngôi nhà. Hiện tại, con cháu cụ Chánh tổng Kiều Quảng đều nghèo, nhưng con cháu cụ Tổng Cóc thì giàu có vô cùng.
Rất nhiều người hiện là đại gia, sở hữu hàng chục công ty lớn nhỏ trong và ngoài nước. Có đại gia ở Canada, có đại gia ở Nga, làm từ thiện cho làng xã nhiều tỉ đồng.
Có đợt, một đoàn con cháu cụ Tổng Cóc, do ông Phúc dẫn đầu sang nhà ông giáo Kiều Phú điều đình để được mua lại ngôi nhà. Họ cho ông Kiều Phú tùy ý định giá ngôi nhà. Sau khi trả tiền đầy đủ, họ sẽ tiếp tục xây cho vợ chồng ông giáo Phú một ngôi nhà cao tầng khang trang nữa. Ngôi nhà cao, rộng bao nhiêu là tùy ở ý ông Phú.
Tuy nhiên, ông Kiều Phú đã từ chối. Điều lạ là cả họ Kiều, dù còn nghèo đói, vất vả, song cũng không muốn bán ngôi nhà này. Mới đây, con cháu ông Tổng Cóc lại kéo sang lần nữa xin chuộc, nhưng ông giáo Phú vẫn lắc đầu.
Ngoài ngôi nhà của ông Tổng Cóc thì người dân ở Tứ Xã trân trọng giữ gìn khá nhiều di vật được cho là của vợ chồng Tổng Cóc - Hồ Xuân Hương, trong đó, quý giá và rõ ràng nhất là đôi lục bình có chữ Hán mà gia đình anh Bùi Văn Thắng đang sở hữu.
Đôi lục bình được làm bằng lõi mít, quét sơn ta đen bóng. Tương truyền, khi còn ái ân mặn nồng, ông Tổng Cóc đã yêu cầu người vợ lẽ tài hoa của mình đề thơ lưu bút tích. Đôi lộc bình vốn được đặt trên bàn thờ nhà Tổng Cóc. Sau này, kinh tế sa sút, con cháu mới mang bán đi.
|
Hai chiếc bình cổ gỗ mít hiện thuộc sở hữu của anh Thắng. |
Chúng tôi được bà cụ mẹ anh Thắng cho xem đôi lục bình. Cụ cặm cụi lau một lúc thì nước sơn cổ ánh lên bóng đến nỗi có thể soi gương được. Không ai chứng minh chắc chắn được rằng đó là chữ của bà chúa thơ Nôm, chỉ biết rằng, cả tổng Tứ Xã từ hàng trăm năm nay đều tin như thế. Con cháu ông Tổng Cóc lắm tiền nhiều của nhiều lần muốn chuộc lại đôi lộc bình để đem về thờ, nhưng anh Thắng nhất định không chịu.
Còn tiếp…