Khu vườn đầu người rùng rợn ở Tây Ninh
Gần đây, một khu vườn “điên loạn” ở ấp Long Hải, xã Trường Tây, Hòa Thành, Tây Ninh đang khiến dư luận xôn xao vì cách bài trí rùng rợn của nó.
Khu vườn cách chợ Long Hải chưa đầy 1 km, nằm giữa ngã ba đường đất tại ấp Long Hải (xã Trường Tây), nơi có đông người qua lại. Từ bên ngoài con đường đất, người qua đường có thể thấy rõ những bức tượng dựng đứng, trong số đó có ngôi mộ giả và những tượng được cúng kiếng. Bước vào khu vườn, mỗi bước đi phải giẫm lên một mặt người được lót chi chít trên mặt đất.
|
"Đầu người" la liệt trong vườn.
|
Những bức tượng kinh dị nhất được tạo hình với lưỡi dao đâm xuyên qua mắt, mũi, trán lại ngay trước sân nhà, chỉ cách đường xe chạy chưa đến 2 bước chân, khiến ai đi qua cũng có thể nhìn thấy. Trên vách nhà cũng có hàng loạt đầu người được treo lên.
Ngoài những mặt người nằm chi chít dưới nền đất , trên các bậc cầu thang dẫn lên ngôi nhà, mỗi bậc còn có hai tượng đầu người khác. Phía trên thềm nhà là hai tượng xi măng trắng bệch như “xác ướp”.
Chủ nhân của khu vườn này tên Phạm Chứng (73 tuổi) và cũng là “nghệ nhân” chuyên chế tác hàng trăm đầu người bằng xi măng bày trí khắp sân vườn cùng nội thất trong nhà. Ông Chứng đã bỏ công sức và tiền bạc gần mười năm nay để hình thành một “nghĩa địa đầu người” mang màu sắc kỳ quái nhằm “làm đẹp” ngôi nhà của mình.
Quang cảnh rùng rợn của khu vườn cùng những bức tượng đã khiến người dân sinh sống quanh đó rất bất bình, bức xúc, còn trẻ em thì luôn bị ám ảnh không dám đi qua. Người dân trong khu vực đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.
Lạnh gáy bể xương chùa Thầy
Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) được dư luận quan tâm đặc biệt vì trong hang này có một chiếc bể chứa hàng nghìn bộ xương người.
Theo lời kể được truyền qua nhiều thế hệ, khi tìm thấy hang, người ta chứng kiến những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, nằm chồng chất lên nhau. Cách đây hàng trăm năm, người dân xây một chiếc bể vuông, tựa vào vách dùng để chứa hài cốt. Trên tấm bia ghi bên ngoài bể bằng tiếng Hán, dịch ra đại ý là “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.
|
Một góc bể xương Chùa Thầy.
|
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lữ Gia là tướng nhà Triệu, nước Nam Việt (thế kỷ 2 TCN). Dưới triều Thuật Dương Vương (111 TCN), ông giữ chức Tể tướng. Tuy vậy, giới sử học và khảo cổ Việt Nam đưa ra nhiều phỏng đoán khác về nguồn gốc bể xương này.
Theo các giả thuyết, đây có thể là xương cốt của nghĩa quân người Việt bị quân nhà Minh giết khoảng thế kỷ thứ 14, 15 hoặc xương của người dân địa phương khi chạy trốn quân Cờ Đen ở nhà Thanh do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu tràn sang nước ta và hoành hành quanh vùng núi Thầy cuối thế kỷ 19. Cũng có thể các bộ xương này là của chính quân Cờ Đen.
Ngày nay, bể xương ở hang Cắc Cớ là một địa điểm không nên bỏ qua dành cho du khách khi ghé thăm khu di tích chùa Thầy. Tới nơi đây, du khách sẽ không thể quên được cái cảm giác tăm tối, u mê đến thăm thẳm, những con đường tối đen như mực và đặc biệt là tận mắt nhìn thấy những bộ xương người chất đống dưới hang sâu…
Ngôi nhà Điên kinh dị ở Đà Lạt
Ngôi nhà Điên ở Đà Lạt là một không gian “siêu thực”, nơi du khách có thể trải nghiệm một thế giới kỳ quái tưởng như chỉ có trong cổ tích ngay giữa trần thế. Công trình do kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế, được xây dựng vào năm 1990 trên một mảnh đất rộng gần 2000 mét vuông.
Nhìn từ một số góc, Ngôi nhà Điên trông giống một thân cây đa cổ quái có cửa số là những hốc cây và những cành nhánh lan tỏa trên tường, vươn lên mái nhà và bầu trời. Bên trong Ngôi nhà Điên, các căn phòng được thiết kế theo các chủ đề khác nhau, với đầy ắp các thứ đồ nội thất thủ công kỳ quặc. Cầu thang và hành lang tòa nhà được được xây dựng giống như một hang động.
|
Ngôi nhà Điên ở Đà Lạt |
Mỗi phòng nghỉ dành cho du khách ở Ngôi nhà Điên có một chủ đề khác nhau, như phòng Hổ, với điểm nhấn là một con hổ lớn có đôi mắt phát sáng màu đỏ, phòng Chuột túi, với một bức tượng của một con chuột túi mà trong bụng là lò sưởi, phòng Đại bàng, nơi lò sưởi được tạo hình như những quả trứng của một con đại bàng khổng lồ.
Hình tượng trong nhiều căn phòng có mối liên hệ với các quốc gia cụ thể, như phòng Hổ là tượng trưng cho tinh thần của Trung Quốc; phòng Đại bàng là sự mạnh mẽ của người Mỹ và phòng kiến là đại diện cho Việt Nam cần cù làm việc.
Ngôi nhà từng bị chỉ trích vì tính thiếu thẩm mỹ trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, nó đang được ca ngợi như một tác phẩm điển hình của phong cách nghệ thuật đại chúng (pop art) trong các cuốn cẩm nang du lịch. Nó cũng được Nhân dân nhật báo của Trung Quốc liệt vào danh sách các tòa nhà kinh dị nhất của thế giới.