Bóng ma Thế chiến 3 (kỳ 1)

Google News

(Kiến Thức) - Nếu cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba không kết thúc êm thấm, thế giới có thể đã phải chịu đựng một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 khốc liệt gấp bội.

Cuba trong ván cờ giữa hai siêu cường

Sau Thế chiến II , Mỹ và Liên Xô từ chỗ là đồng minh chống phát xít lại trở thành hai kẻ đối địch trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Đỉnh điểm của cuộc đối đầu này xảy ra vào những năm 1960, với giọt nước tràn ly là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, suýt nữa đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh thế giới một lần nữa.

Nguyên nhân sâu xa của nó bắt nguồn từ lúc Mỹ lôi kéo các nước đồng minh ở sát Liên Xô như Tây Đức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ để đặt căn cứ tên lửa ở các nước này. Đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà tên lửa Mỹ chỉ mất 5 phút là có thể tấn công vào Moscow thay vì mất 20 đến 30 phút nếu phóng từ Mỹ.

 Kennedy từng chuẩn bị tuyên bố Thế chiến thứ 3.

Điều này khiến các nhà lãnh đạo Liên Xô bất an nên họ ráo riết tìm kiếm một cơ hội để cân bằng quân sự với Mỹ. Thật may mắn, cơ hội đó đã đến. Ngày 17/4/1961, Mỹ giúp cho hơn 1.000 phần tử lưu vong đổ bộ lên Cuba hòng lật đổ chính quyền của Fidel Castro. Cuộc đổ bộ bất thành khi chỉ có mấy chục tên trốn thoát và được chiến hạm Mỹ cứu vớt còn tất cả bị bắt khi vừa lên bờ. Cuộc đổ bộ này diễn ra tại vịnh Giron và thường được biết đến với tên là sự kiện Vịnh Con Lợn.

Mặc dù âm mưu này bị đập tan song nó cũng khiến các nhà lãnh đạo Cuba hiểu rằng họ thật sự đang bị đe dọa từ Mỹ. Họ cũng hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay, ngoài Liên Xô, không ai có thể giúp họ tránh khỏi sự can thiệp từ Mỹ. Đối với Liên Xô, nếu không bảo vệ Cuba thì có thể sẽ mất Cuba. Một khi Cuba sụp đổ, các nước Mỹ Latinh khác sẽ rời bỏ Liên Xô để chịu ảnh hưởng của Mỹ. Đó sẽ là một thảm họa chính trị đối với Liên Xô.

Bởi vậy Liên Xô đồng ý viện trợ vũ khí và huấn luyện quân sự cho Cuba theo yêu cầu của Fidel. Đặc biệt hơn, nhà lãnh đạo Khrushchev cũng nhân cơ hội này lập một kế hoạch bố trí tên lửa hạt nhân tại Cuba – nơi mà chỉ cách nước Mỹ hơn 100 km. Ông muốn người Mỹ biết thế nào là cảm giác bất an khi có mối đe dọa hạt nhân ngay sát nách.

Chính phủ Liên Xô đồng ý triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung tại Cuba và còn thêm cả máy bay ném bom tầm xa IL-28. Trong tháng 7 và tháng 8/1962 đã có hơn 100 lượt tàu chở vật tư từ Liên Xô đi Cuba. Cùng vũ khí, khoảng 3.500 nhân viên kĩ thuật Liên Xô cũng xuống tàu sang Cuba.

Nước Mỹ cũng không mất bao nhiêu thì giờ để biết rằng Liên Xô đang triển khai tên lửa hạt nhân sát nách mình. Tuy nhiên, vì Liên Xô đã âm thầm thực hiện từ trước nên khi Mỹ phát hiện thì căn cứ tên lửa của Liên Xô ở Cuba đã sắp hoàn thành, có thể sẵn sàng chiến đấu trong thời gian ngắn nữa.

Qua các bức ảnh chụp từ máy bay do thám U-2, CIA đã nhìn rõ được căn cứ này. Theo thuyết minh của họ khi trình lên Tổng thống Kennedy, căn cứ này được cấu thành từ 16 đến 20 quả tên lửa, có thể sẵn sàng tham chiến trong vòng 2 tuần nữa, khi đó, Washington và nhiều thành phố khác của Mỹ cùng toàn bộ các căn cứ không quân chiến lược của Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Liên Xô.  

Bên miệng hố chiến tranh

Đáp trả lại, quân đội Hoa Kỳ lấy danh nghĩa tập trận đã tập trung 40.000 lính thủy đánh bộ và một sư đoàn không quân tại bang Florida là bang gần Cuba nhất để sẵn sàng đưa quân Mỹ đổ bộ vào Cuba tiêu diệt căn cứ tên lửa mà họ cho là mối nguy hiểm cho họ. Lầu Năm góc cũng trình ra hai phương án quân sự. Một là quân Mỹ trực tiếp đổ bộ lên Cuba để tiêu diệt căn cứ tên lửa của Liên Xô cùng chính quyền Fidel. Hai là sử dụng 500 máy bay ném bom rải thảm Cuba và tập trung vào khu vực có căn cứ tên lửa, sau đó cho lính thủy đánh bộ tiến lên thu dọn chiến trường, phá hủy căn cứ này. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều bị những người ôn hòa chỉ trích là bộc lộ bộ mặt xâm lược quá rõ rệt.

Sau cùng Kennedy cho lập hai tiểu ban đặc biệt để theo dõi tình hình và nghiên cứu đối sách cho vấn đề Cuba. Mặt khác, Mỹ cũng tiếp xúc với Liên Xô để gây sức ép ngoại giao. Lúc này, Moscow thể hiện một thái độ cứng rắn. Ngày 18/10/1962, Ngoại trưởng Liên Xô – Gromyko lần lượt hội kiến với Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ. Ông khẳng định: “Nếu Mỹ lựa chọn hành động thù địch đối với Cuba, cũng có nghĩa Mỹ đã nhằm vào một số nước có quan hệ tốt đẹp với Cuba…”

Lập trường cứng rắn của Kremli kích thích Nhà Trắng đi đến sự đáp trả cứng rắn. Theo cuốn Lật lại những trang hồ sơ mật: Sự thật kinh hoàng của Nxb Thông Tấn: 7h tối ngày 22/10, Mỹ công bố lệnh phong tỏa Cuba. Để giảm bớt mùi thuốc súng, họ dùng từ “cách ly” thay cho từ phong tỏa. Trước đó một giờ, Ngoại trưởng Mỹ Rusk triệu kiến khẩn cấp Đại sứ Liên Xô Dobrynin và trao cho ông này bức thư của Kennedy gửi Khruschev.

Bức thư có đoạn viết: “Nếu như xảy ra một sự kiện nào đó, nhằm bảo vệ mình và an ninh của các đồng minh, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm. Ở Cuba đã xuất hiện căn cứ tên lửa và hệ thống vũ khí tiến công của Liên Xô, do đó, tôi phải nói với ngài rằng Mỹ quyết định phải loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu. Hành động mà chúng tôi sắp sửa tiến hành chỉ là mức thấp nhất của việc loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu”.

Để thực hiện lệnh phong tỏa, quân đội Mỹ triển khai một lực lượng hải quân khổng lồ gồm hàng chục chiến hạm cùng tàu ngầm, tàu sân bay để lập một vành đai “cách ly” đảo quốc Cuba với thế giới bên ngoài. Kennedy tuyên bố, từ 14h ngày 24/10, bất cứ tàu thuyền nào tới Cuba đều phải chịu sự kiểm tra của các chiến hạm Mỹ, nếu chống lệnh sẽ bị bắn chìm.

Quá tức giận, Liên Xô lên án hành động phong tỏa của Mỹ là “hành vi cướp biển chưa từng có trong lịch sử” và “đi theo hướng phát động chiến tranh hạt nhân trên thế giới” đồng thời điện Kremly tuyên bố mạnh mẽ rằng nếu quân xâm lược phát động chiến tranh sẽ phải chịu đòn giáng trả mạnh mẽ nhất từ Liên Xô. Hai siêu cường cùng đã tuốt kiếm giương cung. Cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường này có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một cuộc chiến tranh tàn khốc gấp mấy lần Thế chiến II. Cả thế giới nín thở theo dõi diễn biến sự kiện này và các động thái của hai nước Xô – Mỹ.  

(Còn nữa…)

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)