Bí ẩn tục hiến gái đồng trinh thời tiền sử

Google News

(Kiến Thức) – Vấn đề trinh tiết của nữ giới trước hôn nhân gắn với tục lệ "hiến gái đồng trinh" từ thời tiền sử chứa đựng rất nhiều bí ẩn.

Cô dâu “hiến trinh” cho ai?

Từ thời tiền sử, con người rất coi trọng tục “hiến gái đồng trinh”. Nếu trong bộ lạc có người kết hôn, mọi người sẽ nô nức đến chúc mừng, uống rượu, nhảy múa hân hoan. Khi sự phấn khởi của hôn lễ đến cao trào, một số người trong bộ lạc sẽ rước cô dâu đến một gian phòng khác, dùng đồ đá hoặc que gậy để phá trinh của cô dâu. Sau đó, một người sẽ cầm vật có dính máu trinh của cô dâu đưa ra cho mọi người xem.

Tục “hiến gái đồng trinh” hiện vẫn còn tồn tại trong một số bộ lạc ở Australia. Ở một số nơi như bộ tộc Masa gần xích đạo ở Châu Phi, bộ tộc Sakai ở Malaya, bộ tộc Batas ở đảo Sumatera, Indonexia đều có tập tục này. Và trên thực tế, “hiến gái đồng trinh” là một hiện tượng rất phổ biến ở thời kỳ đầu lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, có một điểm khác, là ở thời tiền sử, cô dâu không được chọn người để “hiến trinh”. Theo quy định chung, người phá trinh cô dâu ở một số bộ lạc là bố của cô dâu, là bạn của chú rể, hoặc là người đức cao vọng trọng trong bộ lạc… Trong cuốn “Bí ẩn văn hóa Việt Nam và thế giới” có viết: “Trong bộ tộc Alfu ở Calebel, vai trò kỳ quái này lại do chính bố cô dâu đảm nhiệm. Ở một số bộ lạc người Eskimos, thầy mo có trách nhiệm làm công việc được cho là thiêng liêng này. Còn ở Australia thì một phụ nữ già đáng kính trong bộ lạc sẽ làm rách màng trinh của cô gái”.

 Ảnh minh họa.

Theo cuốn “Marco Polp du ký”, một số dân tộc thiểu số vùng biên giới Vân Nam, Trung Quốc có tục hiến gái đồng trinh cho người lạ. Ở Hy Lạp, cô gái đồng trinh hiến thân cho đại diện của thần trước điện thờ. Ở một số nơi ở châu Âu, đêm tân hôn của các cô gái, các lãnh chúa địa phương là người có quyền chiếm hữu.

Nhiều địa phương ở Ấn Độ còn có một “dụng cụ sinh sản tượng thần” làm bằng gỗ dùng để phá trinh người con gái. Tùy theo quan niệm mỗi nơi mỗi khác, nhưng có một điều chắc chắn và điều đáng buồn nhất là người hoàn thành sứ mệnh đó không phải chồng của cô dâu.

Đỉnh cao nghệ thuật… “đánh lừa chú rể”?

Các nhà tâm lý học cho rằng, rất khó lý giải hiện tượng này, bởi sau khi loài người thực hiện chế độ có vợ có chồng thì quan niệm trinh tiết mới được đặt ra. Có thể thấy rằng, trong những bộ lạc kể trên, bất kể là cô dâu, chú rể hay những người khác trong bộ lạc đều không coi trọng trinh tiết của người con gái, thậm chí còn có tâm lý sợ hãi với nó.

Thực tế, một số nơi trên thế giới vẫn còn tồn tại hiện tượng kỳ lạ là chú rể kiêng kỵ phá trinh cô dâu, vì vậy mới xuất hiện người thứ ba giúp đỡ. Những người không hiểu lịch sử người nguyên thủy và dân tộc học lại không thể tin nổi điều này. Nguyên nhân vì sao người nguyên thủy có phong tục này đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Freud (người Áo) cho rằng, từ góc độ sợ chảy máu, sợ hãi, lạ lùng đều không đạt đến bản chất tục hiến trinh. Ông cho rằng, với phụ nữ, tân hôn có thể dẫn đến vết thương ở bộ phận sinh dục trong và vết thương tâm lý. Vết thương tâm lý đó thường là sự tiếc nuối và thất vọng khi mất trinh, biểu hiện sự căm giận sâu sắc đối với người đã cướp đoạt sự trinh tiết của mình. Để tránh cho người chồng sau này trở thành đối tượng bực tức trong lòng cô gái, tránh cho người vợ có tâm lý đối nghịch, nên một số bộ lạc mới có hiện tượng “kỵ gái đồng trinh”.

Đối với nam giới nguyên thủy, họ coi người nữ là người bí hiểm, thậm chí gây sợ hãi. Họ cho rằng nếu phá trinh phụ nữ sẽ đem tai họa cho gia tộc người chồng, vì vậy người chồng cần tránh.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, kiêng kỵ gái đồng trinh là hiện tượng tâm lý của thời đại tự do tình dục. Thời đại tự do tình dục của loài người thời tiền sử đã để lại rất nhiều tàn dư như hiện tượng quần hôn. Người thứ ba, thường là nam giới thông qua nghi thức đã tiến hành phá trinh cô gái.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học, ở các bộ lạc Australia có lúc nhiều người nam công khai tiến hành nghi thức của tục lệ này, tất nhiên là có theo một quy định trước đó. Điều này thực tế là một hồi ức đối với cuộc sống quần hôn thời cổ đại.

Ngoài ra, để tăng lòng dũng cảm, người nguyên thủy thường uống máu của kẻ thù và máu động vật, vì vậy màu máu trong đêm tân hôn với họ là điều kiêng kỵ. Tuy vậy, chính trong hiện tượng kiêng kỵ này lại có đầy những mâu thuẫn. Rằng nếu sợ rủi ro khi phá trinh cô dâu thì bạn của chú rể hoặc những người trong bộ lạc vì sao lại đảm nhận trách nhiệm được xem là “nguy hiểm” này?

Có người cho rằng, đây là một quan niệm tình dục tránh cho người phụ nữ không mắc phải tâm lý cuồng loạn do quá hồi hộp, sợ hãi tạo ra. Một số người khác lại xem như đây là tục lệ khôn ngoan của người nguyên thủy. Những người này cho rằng, về tâm lý, tình cảm, người nguyên thủy có tình cảm phong phú không kém gì người hiện đại. Việc dùng các cách phá trinh người con gái trước hôn nhân, về mặt bản chất là để đảm bảo hạnh phúc của đôi vợ chồng sau ngày cưới. Sống trong điều kiện ít bị ràng buộc trong bộ lạc, người chồng có thể bỏ rơi người vợ của mình sau khi cưới nếu biết cô gái đó không còn trinh. Nếu ở chế độ quần hôn, hiện tượng “kiêng kỵ gái đồng trinh” chưa xuất hiện, thì tục lệ “hiến trinh” thời tiền sử là đỉnh cao nghệ thuật “đánh lừa chú rể” của các bộ tộc lạc hậu trên trái đất. Tuy vậy, đó cũng chỉ là một giả thuyết.

Hiện tượng “hiến gái đồng trinh” thời tiền sử không chỉ là bí ẩn của các nhà nghiên cứu, mà còn là điều khiến con người thời hiện đại quan tâm. Việc nghiên cứu, phát hiện của các nhà sử học về tập tục này phần nào cho chúng ta biết về trạng thái tâm lý và tình trạng hôn nhân trước khi người tiền sử bước vào xã hội văn minh hơn.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tiểu Phong

Bình luận(0)