Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuân Dược Vương do Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Lương địa chỉ: Số nhà 33, ngách 40/79, ngõ 79, đường Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Smard địa chỉ: Thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam sản xuất.
Xuân Dược Vương được giới thiệu là sản phẩm đem lại những ưu điểm vượt trội hơn nhiều so với các cách cải thiện sinh lý đàn ông khác.
Ngoài ra Xuân Dược Vương còn được giới thiệu có công dụng tăng tuần hoàn máu, kích thích hưng phấn tình dục, hỗ trợ cường dương, cải thiện chức năng của thận, tăng sức đề kháng, tăng cường sinh lực...
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuân Dược Vương đã vi phạm quy định về quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định.
|
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuân Dược Vương đã vi phạm quy định về quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. |
Để tránh nhầm lẫn và bị đánh lừa bởi những quảng cáo, người tiêu dùng cần có kiến thức để phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN).
Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán, chữa, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người. Tất cả các loại thuốc không kê đơn hay kê đơn đang lưu hành trên thị trường đều được cấp phép và quản lý chặt chẽ bởi Cục Quản lý Dược.
Còn thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được bổ sung thêm các vi chất và yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
Thực phẩm chức năng không phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng phức tạp và đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn chất lượng như thuốc cũng như không dùng thay thế thuốc chữa bệnh.
Tuy vậy, sản phẩm cần công bố rõ ràng hàm lượng chất dinh dưỡng cũng như khuyến cáo về sức khỏe theo các nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả và phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đến tay người tiêu dùng.
Có thể phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng qua một số thông tin trên bao bì/ nhãn sản phẩm. Đối với thuốc, trên bao bì phải in số đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp (thường ở mặt sau của hộp thuốc, trên vỉ nhôm, ở cuối tờ hướng dẫn sử dụng).
Các ký hiệu trong số đăng ký thuốc thường gặp gồm: Số Đăng ký (SĐK): V...-1300- 21 có thể hiểu như sau: V là ký hiệu nhận biết đây là thuốc, trong đó VD là thuốc sản xuất trong nước, VN là thuốc sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam...; 1300 là số thứ tự do Cụ Quản lý Dược cấp, 21 là năm cấp số đăng ký (năm 2021).
Các thuốc kê đơn, tức là chỉ được dùng khi được bác sĩ chỉ định trong đơn thuốc, sẽ có ký hiệu Rx hoặc dòng chữ “Thuốc kê đơn”, “Thuốc bán theo đơn” trên hộp thuốc và trong tờ hướng dẫn sử dụng.
Số đăng ký được in trên bao bì thực phẩm chức năng là số công bố tiêu chuẩn (SCBTC) theo mẫu: Số được cấp/số năm cấp/YT-CNTC.
Theo quy định, bao bì và tờ hướng dẫn sử dụng của thực phẩm chức năng phải ghi rõ nhóm thực phẩm như “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”. Ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác (nếu có) phải ghi cụm từ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Xử lý nghiêm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: