Bà Lưu, sống ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, năm nay 61 tuổi, sống một mình nên rất thích xem các chương trình truyền hình.
Thời gian trước, cháu trai của bà Lưu học trực tuyến ở nhà do dịch bệnh nên đến ở nhà bà. Bà Lưu phải tạm thời kiêng xem TV. Hiện tại, các trường học đã mở lại, cháu trai về ở với bố mẹ, một mình bà Lưu sống an nhàn hơn, bà lập tức quay lại xem phim truyền hình bù.
Để giảm bớt việc phải di chuyển, bà Lưu đi mua thức ăn đủ ăn cho cả tuần. Tuy nhiên, vì ăn một mình ngại nấu, bà ăn uống rất thất thường, đói thì nấu tạm món gì để ăn, không thì sẽ ăn luôn xúc xích, đồ hộp, đồ chế biến sẵn.
Về cơ bản, bà Lưu ngồi trên ghế sô pha cả ngày lẫn đêm để xem phim truyền hình. Mệt mỏi quá lại ngủ một lúc rồi lại xem. Cứ thế khoảng hơn một tuần, bà Lưu bị chóng mặt, đau đầu và buồn nôn.
Sau đó, bà mới nhớ ra rằng mình quá mải mê theo dõi các bộ phim truyền hình mà quên không dùng thuốc hạ huyết áp trong suốt thời gian qua.
|
Ảnh minh hoạ. |
Ngay lập tức, bà Lưu lấy máy đo huyết áp ra đo, nhưng thử nhiều lần đều không có kết quả. Sau khi con gái bà Lưu biết chuyện, cô đã đưa mẹ đến bệnh viện tỉnh ở Phúc Kiến để điều trị.
Bác sĩ Lâm Kiến Trân - Phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Tim, đã lấy huyết áp kế thủy ngân đo cho bà Lưu và thấy rằng cột thủy ngân chạm đỉnh trực tiếp, đạt 250/105mmHg, đây là một trường hợp tăng huyết áp cực nghiêm trọng, có thể nguy hiểm tính mạng.
Ngay lập tức, bác sĩ Lâm đã cấp cứu cho bà Lưu. Một tuần sau đó, tình trạng của bà Lưu mới trở lại ổn định, sức khoẻ cũng phục hồi dần. Qua chuyện này, bác sĩ Lâm cũng đưa ra một số đề xuất để cải thiện tình trạng cao huyết áp cho những người mắc bệnh.
Thứ nhất, giảm lượng natri: Cụ thể, với bệnh nhân cao huyết áp, lượng natri tiêu thụ hàng ngày nên được kiểm soát trong vòng 2g (natri clorid 5g).
- Kiểm soát muối nấu ăn và gia vị có hàm lượng natri cao như bột ngọt và nước tương;
- Giảm thực phẩm chế biến có hàm lượng natri cao, chẳng hạn như mù tạt, giăm bông, các sản phẩm ngâm chua;
- Sử dụng thìa muối định lượng khi nấu ăn.
Thứ hai, tăng lượng kali
- Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu kali như rau tươi, trái cây và đậu;
- Những người có chức năng thận tốt có thể chọn thay thế muối bằng lượng natri thấp và giàu kali.
Thứ ba, chú ý chế độ ăn uống hợp lý
Bổ sung protein chất lượng cao, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa ít béo, protein từ thực vật và ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ để giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol.
Thứ tư, kiểm soát trọng lượng
Trên cơ sở chế độ ăn uống cân bằng, giảm tổng lượng calo hàng ngày, kiểm soát việc ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao (thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có đường và rượu, v.v.), đồng thời kiểm soát hợp lý lượng carbohydrate đưa vào cơ thể.
Trọng lượng cơ thể được duy trì trong mức lành mạnh (BMI: 18,5-23,9, vòng bụng <90cm đối với nam, <85cm đối với nữ) và mức giảm cân trong vòng một năm được kiểm soát trong khoảng 5% -10%.
Thứ năm, bỏ hút thuốc và hạn chế rượu
Bệnh nhân cao huyết áp được khuyến cáo không nên uống rượu. Nếu bạn uống rượu, hãy tránh rượu có nồng độ mạnh. Lượng rượu hàng ngày không được vượt quá 25g đối với nam và 15g đối với nữ.
Thứ sáu, tập thể dục
5-7 ngày một tuần, hãy dành 30-60 phút tập thể dục cường độ trung bình, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, v.v., tập thể dục cường độ trung bình có thể đạt được nhịp tim tối đa. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi tập thể dục để tránh ảnh hưởng tim phổi.
Ngoài ra, hãy chú ý đến chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, thông qua âm nhạc, nói chuyện, sinh hoạt tập thể, thể dục thể thao và các hình thức khác có thể giảm bớt các áp lực khác nhau, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ nếu cần thiết.