|
Ảnh minh họa. |
Năm nay, bà Cờ đã 78 tuổi, tóc đã bạc nhiều. Nói chuyện với tôi, bà nhớ lại, hồi bà 39 tuổi ông nhà đã ra đi sau một cơn tai biến, để lại cho bà 7 đứa con, 4 nam, 3 nữ, người con trai út chưa biết đi. Những ngày ấy, khói lửa còn phủ khắp quê hương, một mình bà lam lũ vất vả nuôi đàn con thơ dưới làn bom Mỹ bao trùm.
Nếu nhìn hoàn cảnh của bà lúc bấy giờ ai cũng ái ngại, đủ vợ đủ chồng mà còn gian nan vất vả, đằng này một mình bà với trăm thứ lo toan, lo cho con cái ăn được no, cái mặc được ấm đã là khó, còn lo học hành, lo đau ốm, rồi đối nội đối ngoại đã nâng thêm gánh nặng gấp nhiều lần lên đôi vai bé nhỏ của bà. Bộn bề chồng chất, bà gắn chặt mình vào gánh bún xèo, bánh tráng, chăm chỉ ngày 2 buổi chợ sáng chiều để chắt bóp từng đồng, ngoài ra còn tranh thủ cấy lúa để có thêm gạo cho các con ăn.
|
Bà Nguyễn Thị Cờ. |
Cứ thế, các con dần lớn lên, vừa học vừa phụ giúp mẹ các công việc nhà. Anh chị em trong nhà biết thương mẹ và thương yêu nhau nên cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn. Bà Cờ kể, nhớ lại bao năm kháng chiến, mấy mẹ con không được ăn gạo trắng, phải ăn gạo độn ngô, sách vở cho con thiếu thốn trăm bề, học bằng đèn dầu, viết bằng bút tre, vậy mà các con đứa nào cũng chịu khó, say mê học hành. Không nỡ để niềm say mê của các con bị lỡ dở, bà lại gồng mình lên làm kinh tế cho các con học hành bằng bạn bằng bè.
Giờ đây, người con trai trưởng của bà đã là giáo viên trường tiểu học Ngân Sơn, kế đến là 2 chị gái là cán bộ y tế của xã, 3 con kế tiếp là giáo viên trung học cơ sở và con trai út là thợ may.
Bà Cờ vui vẻ, bây giờ dù không còn nhiều sức lao động để làm ra của cải vật chất như những năm tháng trước đây, nhưng bà Cờ vẫn khoẻ mạnh và vui vẻ phụ giúp các con chăm sóc đàn cháu nhỏ. Với bà, như thế là đã hoàn thành nhiệm vụ với các con.
Bà Cờ hiện là hội viên Hội Người cao tuổi thị trấn Chí Thạnh. Tấm gương sáng của bà Cờ thật đáng để nhiều người học tập, noi theo.