Vì sao uống nước khế có thể gây hại thận, thậm chí tử vong?

Google News

(Kiến Thức) - Mua khế ép nước uống cho khỏe theo chỉ dẫn trên internet, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán bị tổn thương thận cấp.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân T.V.Q, 65 tuổi, không có tiền sử về bệnh. Theo lời kể, nghe theo chỉ dẫn trên internet, người bệnh đã mua 1kg khế ép lấy nước uống cho sức khỏe được tốt hơn. Tuy nhên, 1 tiếng sau khi uống hết số nước ép khế thì người bệnh bị bị nôn ói, mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm và phải nhập cấp cứu.
Vi sao uong nuoc khe co the gay hai than, tham chi tu vong?
Uống nước ép khế bị tổn thương thận cấp, phải chạy thận nhân tạo. Ảnh minh họa: Internet 
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân được chẩn đoán bị tổn thương thận cấp do nước ép khế, được chỉ định chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân sau đó được xuất viện khi chức năng thận hồi phục sau một thời gian điều trị.
Trường hợp của bệnh nhân T.V.Q đã rất may mắn được cấp cứu kịp thời, bởi trong thực tế đã có những người mất mạng vì ăn khế, uống nước ép khế. Do vậy, cần phải biết rõ để ăn đúng cách, vì đây là quả rất tốt cho sức khỏe.
Loại quả tốt cho sức khỏe…
Theo Đông y, quả khế có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng lợi niệu, thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải độc, trị phong nhiệt. Một số nghiên cứu cho thấy, quả khế cung cấp rất ít ca-lo, 100g quả khế chỉ cung cấp 30 ca-lo nhưng lại cung cấp rất nhiều khoáng chất vi lượng như Ca, Fe, Na và nhất là có nhiều vitamin K, A, C, B1, B2. Do vậy, quả khế mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Quả khế chứa một lượng lớn vitamin C. Đây là loại vitamin giúp cơ thể loại bỏ độc tố và giúp hỗ trợ tổng hợp collagen, thành phần quan trọng để hồi phục và bảo vệ xương, da, mạch máu cho cơ thể. Nếu chúng ta ăn hai quả khế (tương đương 100g) sẽ cung cấp khoảng 50% nhu cầu vitamin C mỗi ngày cho cơ thể.
Ngoài ra, chất pectin trong quả khế giúp thải trừ lượng cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể. Trong quả khế còn chứa chất chống ô-xy hóa dạng flavonoids, chất xơ hòa tan được cho là có khả năng chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm lượng đường huyết, ngừa bệnh tim mạch. Hơn nữa, với mức độ kali cao, natri thấp trong quả khế rất có lợi cho cơ thể, đặc biệt là những người có bệnh lý tăng huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch…
… nhưng nguy hại cho người bệnh thận
Vi sao uong nuoc khe co the gay hai than, tham chi tu vong?-Hinh-2
Chỉ 100ml nước khế nguyên chất cũng có thể gây hại cho người bệnh thận. Ảnh minh họa: Internet
Bên cạnh những tác dụng có lợi cho cơ thể, quả khế cũng có thành phần bất lợi. Trong khế có nhiều loại acid hữu cơ khác nhau, trong đó acid oxalic chiếm tới 50 – 60%. Acid oxalic bị nghi ngờ là tạo ra chất kết tủa oxalate calcium, gây sỏi thận. Những người bị sạn thận không nên ăn khế quá nhiều, vì với hàm lượng cao oxalic như thế, sỏi thận dễ tái phát. Acid oxalic có nhiều trong khế với mức dao động khoảng 100 – 10.000mg oxalic tính trên 100g khế. 
Công trình nghiên cứu của đại học Sao Paulo (Brazil) đã nghiên cứu và tìm ra thủ phạm gây hại trong quả khế là chất caramboxin, một acid amin thực vật được xem là một độc tố thần kinh có thể gây ra những ảnh hưởng lên bộ não và các dây thần kinh ở những người suy thận. Với người suy thận, việc chỉ ăn một quả khế cũng dễ dàng khiến bệnh nhân trúng độc, trường hợp nặng có thể biến chứng chuyển thành chứng tăng urê huyết, gây sốc phản vệ, thậm chí tử vong…
Đặc biệt, trong quả khế còn chứa một loại độc tố thần kinh có tên neurotoxin, có thể gây ói mửa, rối loạn tâm thần, hôn mê, động kinh, thậm chí tử vong. Độc tố này cũng tìm thấy trong một số loài rắn hay nhện… Ở người thận khỏe, độc tố này được xử lý và loại bỏ, nhưng với người có vấn đề về thận thì không thể giải độc tố trong quả khế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, trong khế có chứa nhiều loại axit, đặc biệt là khế chua, nên người bị đau dạ dày hoặc đang bị đói không nên ăn. Chất axit cũng làm cản trở sự hấp thu canxi do vậy những người có vấn đề xương khớp, trẻ dưới 5 tuổi nên hạn chế ăn khế.
An Lê (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)