Người bệnh thận không nên ăn khế

Google News

Khế là một loại quả khá quen thuộc của nhiều người. Tuy nhiên, những người mắc bệnh thận, dạ dày thì lại không nên ăn.

(Kienthuc.net.vn) - Khế là một loại quả khá quen thuộc của nhiều người. Theo Đông y, khế có vị chát, tính bình, không độc, có tác dụng tốt trong tiêu hóa, kháng viêm... Tuy nhiên, những người mắc bệnh thận, dạ dày thì lại không nên ăn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thành phần dinh dưỡng trong trái khế không cao, 100g khế chỉ có 35,7 calo, chính vì vậy đây là thứ quả tốt cho người béo phì, mỡ máu cao. Đặc biệt, khế có một số tác dụng dưới đây.

* Lợi ích cho tiêu hóa: Những người bị táo bón, trĩ, ăn không tiêu có thể dùng khế hằng ngày. Hàm lượng chất xơ có nhiều trong khế giúp hệ tiêu hóa được cải thiện rõ rệt.

* Tiêu viêm: Lá khế và quả khế chua có vị chát, đây là thành phần kháng viêm. Nếu người bị mẩn ngứa, ho, viêm họng có thể uống nước lá khế và cho thêm chút muối. Nước sắc lá khế, pha thêm chút muối cũng có tác dụng tốt đối với bệnh viêm nhiễm phụ khoa của phụ nữ. Đối với ho, viêm họng thì bạn có thể làm ô mai khế, siro khế để sử dụng thường xuyên cũng có tác dụng.

* Hạ sốt: Hàm lượng vitamin C trong khế cao ngang bằng với quả cam, vì vậy khi bị sốt do virus, sốt cao do viêm họng, sốt xuất huyết, ngoài việc dùng thuốc bạn nên uống vài cốc nước ép khế hằng ngày sẽ hạ sốt nhanh.

* Giảm độc khi uống rượu: Những người uống rượu quá nhiều, thậm chí có thể ngộ độc có thể dùng khế để hỗ trợ. Các axit hữu cơ có từ 800 - 1.250mg/100g khế tác động nhanh tới dạ dày, giúp thải rượu vừa uống vào ra ngoài cơ thể nhanh hơn bình thường.
 
Tuy nhiên, khế có chứa nhiều loại axit, đặc biệt là khế chua, nên người bị đau dạ dày hoặc đang bị đói không nên ăn. Trong khế có chứa có nhiều axit oxalic, vì vậy, những người bị bệnh thận cũng không nên ăn khế vì axit oxalic trong khế cũng dễ gây ra sỏi thận nặng hơn. Mặt khác, chất axit này còn làm cản trở sự hấp thu canxi trong cơ thể, do vậy những người còi xương, có vấn đề xương khớp, trẻ dưới 5 tuổi nên hạn chế ăn khế.

TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)
 

Bình luận(0)