Ở Việt Nam, vắc xin Quinaxem được đưa vào sử dụng từ năm 2007 cho tới năm 2013 có 63 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, sau đó được điều tra, và Tổ chức y tế thế giới WHO và Quỹ nhi đồng LHQ - UNICEF khẳng định là Quinvaxem vẫn an toàn. Trẻ tử vong có thể do các bệnh đi kèm chứ không phải do vắc xin. Nên sau thời gian ngưng sử dụng 5 tháng, Quivaxem được đưa vào sử dụng lại. Tôi tin những kết luận của WHO và UNICEF là Quinvaxem vẫn an toàn. Và nên nhớ là Quinvaxem là vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất trên phạm vi toàn cầu, đứng đầu trong các loại vắc xin 5 trong 1.
Sau khi báo chí đăng tải những hình ảnh trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin thì mới có chuyện xảy ra. Đó là có rất nhiều các bà mẹ miễn cưỡng đưa con mình đi tiêm chủng, không chỉ là Quinvaxem, mà nhiều người không còn tin vào công tác tiêm chủng nữa.
Thật là vô cùng đau lòng cho những gia đình có trẻ bị tử vong sau tiêm Quinvaxem. Nhưng, nếu vì thế các bà mẹ khác không đưa con em mình đi tiêm chủng nữa thì tôi không biết dùng từ gì để nói về số phận của những đứa trẻ sau này sẽ mắc các bệnh đáng lẽ phòng ngừa được bằng vắc xin và số ca bệnh đã được xóa bỏ này sẽ tăng lên đột biến. Các bệnh viện nhi đồng có lẽ sau vài năm sẽ phải cơi nới, bổ sung thêm giường bệnh để chứa những bệnh tái xuất hiện lại. Những trẻ ấy là nạn nhân của truyền thông hay nói chung là nạn nhân của người lớn chúng ta.
Trong y khoa chúng tôi có một loại sai lầm gọi là sai lầm trong nhận thức (cognitive bias). Đó là sai lầm do mình “cảm thấy” vậy rồi làm theo cảm tính chủ quan của mình mà không tin vào khoa học thực nghiệm, không tin hay không tham khảo các con số thống kê. Liên quan tới lĩnh vực tiêm chủng, hãy tham khảo các con số thông kê. Hãy tự mình so sánh hai con số, một là nếu bạn đưa con bạn đi chích ngừa thì nguy cơ tử vong là 0,00 % và hai là nếu không đưa con bạn chích ngừa thì nguy cơ con bạn mắc các bệnh sau này tăng gấp vài trăm lần.
Giống như Steve Job, khi bệnh ung thư tụy mới được phát hiện, còn thời kỳ chữa được, bác sĩ khuyên ông nên mổ thì ông ta lại từ chối, ông ấy tin rằng mình giỏi hơn bác sĩ, hơn chuyên gia mà tìm đến thuốc bắc … Sau đó ông đồng ý mổ thì đã vào giai đoạn muộn. Tuy nhiên sau mổ ông lại từ chối hóa trị và xạ trị. Một cái chết sớm rất đáng tiếc vì nghĩ mình giỏi hơn bác sĩ, một sai lầm do nhận thức.
Cũng liên quan đến ngành ngoại khoa, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện cần mổ cấp cứu, nhưng khi bác sĩ giải thích với người nhà là nếu không mổ 100% tử vong họ đồng ý mổ liền. Còn nếu mổ chương trình, bệnh nhân hỏi mổ có nguy cơ tử vong không, bác sĩ nói có, bệnh nhân sợ có khi từ chối mổ. Nhưng khi chi tiết phần trăm tử vong ra con số cụ thể như 50%, 30%, 10% ..0,5% thì sau khi cân nhắc lợi hại thì họ sẽ có quyết định sáng suốt hơn.
Khi đụng vào người bệnh, không ai nói an toàn 100% được, huống hồ gì đó là những bệnh nhi. Người dân cần tỉnh táo, tham khảo các con số thống kê mà đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ!