Truyền nhân trị rắn cắn

Google News

Trong những năm qua, ông Lạnh đã cứu hàng nghìn người thoát khỏi tử thần mà không màng danh lợi.

- Đó là ông Triệu Văn Lạnh, người dân tộc Tày ở xã Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng là truyền nhân duy nhất của phương thuốc bí truyền ở miền biên viễn xa xôi này. Trong những năm qua, ông Lạnh đã cứu hàng nghìn người thoát khỏi tử thần mà không màng danh lợi.
 
[links()]
Gia đình cao thủ

Nằm dưới chân ngọn núi Luộc Bảng cao chót vót, quanh năm mây phủ, ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Lạnh tuềnh toàng, trống huơ trống hoác như càng lạnh lẽo hơn trong tiết mưa xuân.

Gặp ông Lạnh ở ngay đầu ngõ, thân hình già hơn cái tuổi 46 nhiều quá khiến chúng tôi tưởng nhầm. Vài con gà, mấy con ngan lai chạy té tác khi đàn chó chạy ra sủa khách.

"Vào" - ông Lạnh quát, đàn chó ngoan ngoãn chui tọt vào chuồng. Ông Lạnh cười ngượng: "Khổ! Vùng nông thôn miền núi, không nuôi chó thấy vắng nhà chú ạ!".
 
Ông Lạnh hướng dẫn PV KH&ĐS thủ thuật bấm huyệt chữa độc rắn.


Gia đình ông Lạnh từng là những cao thủ của vùng đất miền biên viễn trong nghề chữa độc. Nhưng rồi, sinh nghề tử nghiệp nên giờ đây, ông Lạnh còn là truyền nhân duy nhất của gia đình nắm giữ các "bí kíp" chữa độc mà cả nghìn đời nay tích lũy.

Vừa đầu câu chuyện, trong gian cạnh một tiếng người thều thào phát ra: "Ai đấy Lạnh, đưa họ vào đây cha chữa". Ông Lạnh đi vào, lúc sau ra bảo: "Đấy là cha tôi, ông cụ đã 75 tuổi, đang ốm nặng, không biết có qua đận này được không".

Cha ông Lạnh là cụ Triệu Văn Quán, vốn nổi tiếng khắp cả một vùng miền núi phía Bắc bởi tài năng trị độc. Từ độc rắn, độc nhện đến độc thuốc rừng cụ đều có thể hóa giải.

Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cụ Quán từng chữa trị cho nhiều chiến sĩ trúng độc của rắn. Thời bình, cụ tiếp tục "du mục" qua nhiều bản làng của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn... để tìm các loại thuốc trị độc mới và hành nghề cứu người tích phúc.

Vợ của cụ Quán cũng là một phụ nữ Tày. Khi chồng chu du khắp nơi tìm thuốc, bà ở nhà chữa trị cho người trong bản. Bà yêu nghề thuốc đến nỗi, khi chuẩn bị nhắm mắt, bà cầm tay chồng và con mà nói:

"Cố gắng chữa cho càng nhiều người càng tốt, đừng khiêm tốn cứu người, càng không được chữa ẩu kẻo phải ân hận".

Nhớ lời vợ, cụ Quán đã truyền dạy cho con trai tất cả những bí mật để hành nghề cứu người, giúp dân khỏi cái chết tức tưởi.
 
T11-ran-2--mau.jpg
Ông Lạnh và loại cây thuốc trong vườn.

Rắn cắn chân phải, đắp thuốc bên trái

Nhấp chén rượu sắn cay nồng, ông Lạnh không giấu giếm: "Ở vùng núi này nhiều rắn lắm. Rắn hổ mang, hổ chì, hổ trâu nhiều vô kể. Có những loại rắn núi cắn một phát là nạn nhân chết tại chỗ".

Ở Trùng Khánh và các vùng lân cận, núi đá nhiều với những hang hốc là nơi cư trú của nhiều loại rắn độc số 1 vùng Đông Nam Á.

Vào năm ngoái, các nhà khoa học Nga và Việt Nam đã phát hiện loài rắn lục mới thuộc giống Protobothrops tại khu bảo tồn Thiên nhiên Trùng Khánh. Kỳ lạ thay, đó là loài rắn lạ duy nhất trên thế giới chỉ có mặt ở Trùng Khánh.

Với những loài rắn độc ấy nên cách chữa bệnh của ông Lạnh cũng vô cùng lạ lùng. Nếu rắn cắn tay phải hoặc chân phải thì đắp thuốc bên chân tay bên trái và ngược lại.

Cách chữa này được ông Lạnh lý giải: "Đó là cách chữa bệnh theo mạch thần kinh. Bên chi bị rắn cắn thần kinh dường như đã tê liệt nên thuốc khó ngấm và giải độc".

Thuốc hiểm chữa độc

Thuốc bí truyền chữa trị độc rắn của gia đình ông Lạnh chỉ có 2 loại. Một loại có trong vườn nhà. Đây là loại cây không có tên, lá nhỏ, có quả màu đen, bên trong có hạt nhỏ li ti. Ở trong vườn nhà ông Lạnh, hiện còn khoảng hơn chục cây.

Tuy nhiên, đây chỉ là loại thuốc chữa cầm chừng giữ cho chất độc không ngấm sâu vào máu. Loại cây này được lấy lá và hạt băm nhỏ nghiền mịn và đắp vào chỗ đau. Ông Lạnh cho hay, đây là loại thuốc độc nhưng chỉ ở mức độ khiến người dính phải bị liệt tạm thời.

Còn loại thứ 2 không được ông Lạnh tiết lộ. Chỉ biết, đó là loại cây kịch độc chỉ có trên đỉnh Khau Khà.

Loại cây này độc gấp trăm lần so với cây lá ngón. Người nào sơ ý dính phải nhựa của cây đã có thể chết ngay tại chỗ. Thậm chí, chỗ bị dính nhựa sẽ thâm đen và không thể phân hủy.

Tuy nhiên, đây lại là loại thuốc chính chữa trị độc rắn. "Lấy độc trị độc, người bị rắn cắn có độc trong người nên khi đắp loại thuốc độc này vào sẽ không bị nguy hiểm hay đau đớn", ông Lạnh cho hay.
 
T11-ran-1-mau.jpg
Ông Lạnh và bệnh nhân

Hút độc như phim hành động

Ông Lạnh diễn tả, khi bệnh nhân bị rắn độc cắn, được đưa đến chỗ ông, việc đầu tiên là sẽ cho bệnh nhân nằm nghiêng. Sau đó, ông sẽ dùng kim nung đỏ khêu rộng miệng vết thương ra để độc rắn được thông ra ngoài.

Loài rắn lục mới tìm được ở Trùng Khánh chỉ dài 733mm. Đầu rắn nhỏ, hình tam giác. Có các vảy nhỏ ngăn phân biệt đầu với cổ. Lỗ mũi rắn lục Trùng Khánh lớn, hình thang, mình thon, vảy trên thân có gờ nổi rõ. Đây là loài rắn cực độc ở vùng Cao Bằng.
Bằng kinh nghiệm, ông Lạnh sẽ dùng mồm hút độc rắn và lập tức nhai một phần tư lá của cây kịch độc để tránh nguy hiểm tính mạng. Sau đó, sẽ bấm huyệt trên lưng và mu bàn chân của nạn nhân cho dồn máu lại phía vết thương và đẩy độc máu ra ngoài.

Cuối cùng, ông Lạnh sẽ chế thuốc và đắp cách vết thương khoảng 5cm. Sở dĩ, không đắp thuốc trực tiếp vào vết thương vì đề phòng cơ thể bệnh nhân yếu sẽ không kháng nổi chất độc của thuốc.

Vào tháng 9 năm ngoái, chị Nông Thị Nhung bên làng Cốc Rầy bị rắn lục cắn. Rất may, chị kịp thời dùng dây cao su buộc chân và nhờ người đưa đến ông Lạnh. Đây là loại rắn cực độc lần đầu tiên ông gặp nên phải nghiên cứu khá kỹ ông Lạnh mới dám chế thuốc.

Phải 7 ngày sau, với liều lượng thuốc độc gấp 3 lần bình thường mới cứu được nạn nhân qua cơn nguy hiểm.

Tuy nhiên, sau khi giúp chị Nhung qua khỏi lưỡi hái tử thần thì ông Lạnh cũng suýt... chết. Độc rắn được ông hút ra quá mạnh, hơn một tuần sau mới phát tác.

Ông Lạnh cứng mồm không nói được lời nào. May sao, cụ Quán phát hiện và nhanh chóng dùng thuốc giải mới giúp con trai thoát chết.

Đến nay danh mục chữa bệnh của gia đình ông Lạnh để lên tới quyển số thứ 3. Hàng nghìn bệnh nhân từ khắp các nơi về đều được gia đình ông Lạnh chữa trị mà không lấy một đồng tiền công. Ai cho gì, gia đình sẽ lấy một phần gọi là "lộc trời", nhưng chỉ là những thứ đơn giản như con cá, cân ngô.


"Gia đình ông Lạnh không phải là lương y được công nhận. Tuy nhiên, do gia đình có phương thuốc bí truyền để chữa bệnh cứu người mà không màng danh lợi nên chúng tôi cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho họ hoạt động. Hơn chữa, từ trước tới nay họ cũng chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc".

Ông Lưu Hồng Sơn (Chủ tịch UBND xã Thông Huề)

 
 
Trần Hòa

Bình luận(0)