Tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan, do virus thuộc chủng Enterovirus gây ra, phổ biến nhất là coxsackievirus A16.
Bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với tay chưa rửa sạch hoặc bề mặt có dấu vết của virus, hoặc tiếp xúc với nước bọt, phân, dịch tiết từ các vết phồng rộp, giọt bắn đường hô hấp sau khi ho hoặc hắt hơi. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng nó thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng có thể là đau họng, sốt và chán ăn.
Giai đoạn 2 thường bắt đầu sau đó vài ngày và có thể xuất hiện những triệu chứng như loét miệng (có thể gây đau), nổi mẩn đỏ ở bàn tay và bàn chân, đôi khi ở đùi và mông. Các đốm phát ban có thể có màu hồng, đỏ hoặc sẫm hơn vùng da xung quanh, tùy thuộc vào màu da của bạn. Những đốm này có thể biến thành mụn nước.
|
Ảnh minh họa: NHS. |
Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu sau thì nên đi khám ngay, tránh biến chứng nguy hiểm:
- Các triệu chứng của trẻ không cải thiện sau 7 đến 10 ngày
- Sốt rất cao hoặc cảm thấy nóng, rùng mình
- Mất nước (không đi tiểu thường xuyên như bình thường),...
Người mắc tay chân miệng có thể bắt đầu lây bệnh từ vài ngày trước khi có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng nhiều khả năng lây cho người khác trong 5 ngày đầu tiên sau khi các triệu chứng khởi phát.
Để giảm nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng, cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước
- Sử dụng khăn giấy để che khi ho hoặc hắt hơi
- Bỏ khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác càng nhanh càng tốt
- Không dùng chung khăn hoặc đồ gia dụng như cốc hoặc bộ đồ ăn với người bệnh
- Giặt ga trải giường và quần áo bẩn bằng nước nóng,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Sâu răng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não