|
Bác sĩ khám điều trị cấp thuốc miễn phí cho người dân thôn Tang. Ảnh: BVCC.
|
Bác sĩ Đặng Văn Nam, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, cho biết tại thôn Tang, xã Trà Bùi của địa phương này vừa ghi nhận hơn 140 người dân bị bệnh ghẻ.
Ca bệnh phát hiện đầu tiên vào ngày 8/3. Qua giám sát và báo cáo của Trạm y tế xã Trà Bùi, ngày 16/3, thôn Tang có 19 trường hợp người dân đến khám bệnh, điều trị với các biểu hiện nổi mụn, ngứa trên mu, kẽ bàn tay và một số vị trí khác ở cơ thể, mụn ngứa viêm loét, chảy nước dịch mủ. Các bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là bệnh ghẻ.
Ngày 20/3, đoàn giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế huyện Trà Bồng trực tiếp đến địa bàn thôn Tang khám bệnh và ghi nhận 99 trường hợp bị bệnh ghẻ. Đoàn đã trực tiếp khám, điều trị, cấp thuốc và hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, vệ sinh cá nhân cho người dân thôn Tang.
Ngày 27/3, đoàn giám sát của Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã Trà Bùi tiếp tục đến tận địa bàn để khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho người dân. Các bác sĩ cũng ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc bệnh.
Đến nay, thôn Tang có 143 người mắc bệnh ghẻ.
Thôn Tang là thôn xa xôi, hẻo lánh của xã Trà Bùi, cách trạm y tế xã 10 km và cách trung tâm huyện Trà Bồng 35 km. Toàn thôn có 66 hộ dân với 282 người. Trên 98% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân còn hạn chế.
Hiện tình hình bệnh ghẻ ở thôn Tang chưa ổn định. Trong 143 trường hợp mắc bệnh, 19 bệnh nhân ổn định sức khỏe, còn 124 người đang tích cực điều trị.
Bệnh ghẻ thuộc nhóm bệnh ngoài da do ký sinh trùng ghẻ có tên Sarcoptes scabiei hominis. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc quần áo, chăn chiếu có ghẻ và trứng ghẻ.
Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực thường chết sau khi giao hợp. Ban đêm, ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa và dễ lây truyền nhất. Vì ngứa gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu…
Ghẻ cái sống 4-6 tuần, đẻ mỗi ngày 1-5 quả trứng, sau 3-7 ngày nở thành ấu trùng, sau đó lột xác nhiều lần thành cái ghẻ trưởng thành. Ghẻ sinh sôi nảy nở rất nhanh, với điều kiện thuận lợi một ghẻ cái sau 3 tháng có thể có dòng họ 150 triệu con.
Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều nơi đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.