Trẻ có thể mất mạng nếu bị đánh vào 5 bộ phận trên cơ thể

Google News

Theo bác sĩ Vũ Quang, nếu bị đánh vào các bộ phận hiểm như đầu, ngực, cổ, bụng,... có thể cướp tính mạng của trẻ nhỏ.

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị tổn thương do ngoại lực tác động vì cơ thể các bé đang phát triển, chưa hoàn thiện đầy đủ. Gần đây xuất hiện nhiều tình trạng bạo hành trẻ nhỏ đáng báo động.
Bảo mẫu đánh liên tiếp vào đầu đứa trẻ. Ảnh cắt từ clip Tuổi Trẻ.
Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, cho biết từng gặp trường hợp trẻ sơ sinh hơn 10 ngày tuổi cha mẹ cãi nhau, vô tình khiến bé bị đập đầu vào tường. Ban đầu, trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt ngoài quấy khóc nhưng sau một ngày bé nôn vọt, lừ đừ, ngủ gật. Cha mẹ mang đi khám phát hiện khối tụ máu ở não. May mắn, bé được cấp cứu kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Quang, nếu đánh trẻ ở các bộ phận hiểm sau có thể gây tổn thương nặng, thậm chí cướp đi tính mạng của bé:
Đầu
Trẻ bị đánh lực mạnh vào đầu hoặc va đập mặt phẳng cứng có thể gây chấn thương sọ não. Đây là nguyên nhân tử vong cao, để lại di chứng nặng nề. Tùy vào lực đánh mạnh hay nhẹ, trẻ có hình thái tổn thương như chấn động não (nhẹ nhất), nứt sọ (tổn thương mạnh đến mức nứt sọ), dập não (tổn thương vào não bên trong hộp sọ), tụ máu não (tình trạng đứt các mạch máu trong não gây chảy máu tạo máu tụ).
Lúc này, trẻ sẽ có biểu hiện bất tỉnh, quấy khóc, nôn, đau đầu, kích thích, co giật, hôn mê, lỗ tai và mũi chảy máu hoặc nước trong, chân tay yếu liệt.
Cổ
Nếu bé bị tấn công vào cổ như đánh mạnh, vật dụng sắc nhọn đâm, bóp cổ,... trường hợp nhẹ gây cảm giác đau, khó thở, sợ hãi. Trẻ bị tấn công mạnh sẽ ảnh hưởng đến sụn thanh quản, cản trở quá trình hô hấp, không đưa được oxy lên não. Bị bóp cổ quá 3 phút dù cấp cứu kịp thời trẻ vẫn có thể bị di chứng bại não.
Ngực
Khi trẻ bị tấn công mạnh vào ngực, nhẹ có thể làm rạn xương sườn, nặng chấn thương phổi gây suy hô hấp cấp và dẫn đến tử vong.
Bụng
Nếu trẻ bị đấm, đạp mạnh vào bụng có thể gây tổn thương ruột, lách và gan. Cấp cứu không kịp thời sẽ xuất huyết nội tạng cực cấp cứu ngoại khoa.
Tai
Đôi khi cha mẹ vô tình tát quá mạnh vào tai trẻ sẽ gây tổn thương mô mềm dưới da, xuất hiện bầm tím và sưng nề. Nguy hiểm nhất, trẻ có thể bị chấn động tai giữa làm ảnh hưởng màng nhĩ và nặng chấn động não, chảy hoặc tụ máu não do sọ não còn khá mềm, chưa đủ sức bảo vệ phần mềm bên trong như người lớn.
Ngoài ra, trẻ tuổi mầm non tay chân còn non yếu, mềm khi bị đánh lực mạnh có thể gãy sụn tiếp hợp hoặc gãy xương. Đặc biệt, trẻ dễ bị di chứng như tay chân cong vẹo hoặc phát triển không bình thường.
Chuyên gia này cũng cho lời khuyên khi trẻ không nghe lời, cha mẹ nên có các biện pháp khác ngoài cách dùng vũ lực. Trẻ quấy khóc, la ó, đòi hỏi một cách vô lý cha mẹ phải bình tĩnh xử lý.
- Di chuyển bé sang ra khỏi không gian làm trẻ cáu gắt, không nghe lời. Các bé 1-3 tuổi áp dụng tốt nhất vì thường đòi hỏi vô lý để gây chú ý của mọi người.
- Tạo không khí vui nhộn như cho trẻ chơi một trò chơi mới, rủ bé hát hò.
- Cho trẻ sang khu vui chơi, khoảng sân để chạy nhảy. Tiêu hao năng lượng là cách làm trẻ không đủ sức quấy nhiễu.
- Tránh dùng những từ ngữ hăm dọa, hãy nhìn trực tiếp vào mắt bé để thu hút sự chú ý của bé.
- Nên gọi tên bé để con tập trung lời nói của cha mẹ.
Theo Phương Anh/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)