Can thiệp quá muộn
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, hiện cứ 100 người thì có 5 người mắc chứng bệnh nghe kém, trong đó ở trẻ mắc bệnh nghe kém bẩm sinh chiếm khoảng 9%.
Tại Việt Nam, bác sĩ Đoàn Tấn Tài - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho hay trong một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 3 trẻ bị nghe kém bẩm sinh.
|
Trẻ nghe kém bẩm sinh không được tầm soát, không can thiệp nên nhiều trẻ phải chấp nhận cậm lặng suốt đời. |
Bác sĩ Tài cho rằng, Việt Nam là quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ trẻ nghe kém bẩm sinh cao nhất. Trong số các dị tật bẩm sinh (sứt môi, hở vòm, hội chứng down, dị tật chi...) của trẻ tại Việt Nam thì dị tật nghe kém chiếm tỷ lệ cao nhất. Cứ 1.000 trẻ em Việt Nam sinh ra thì có 3 trẻ bị dị tật bẩm sinh nghe kém.
Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), mỗi năm có khoảng 300 đến 400 trường hợp được chẩn đoán điếc sâu.
Tuy nhiên với căn bệnh nghe kém bẩm sinh này, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì trẻ sẽ câm điếc mãi mãi về sau còn ngược lại, nếu phát hiện và điều trị sớm, kịp thời thì trẻ sẽ trở lại bình thường.
Vấn đề đặt ra lúc này là muốn phát hiện sớm bệnh nghe kém bẩm sinh, trẻ phải được tầm soát từ ngay lúc sinh ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế hiện nay Việt Nam chưa có chương trình tầm soát cho trẻ nghe kém. Phần lớn các trẻ phát hiện nghe kém ở Việt Nam đều ở giai đoạn muộn.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 độ tuổi trung bình đến đây kiểm tra phát hiện bị nghe kém bẩm sinh là 4,5 tuổi.
“Đây là ở giai đoạn quá muộn để có thể can thiệp hiệu quả. Trẻ mắc chứng nghe kém bẩm sinh, nếu được can thiệp trước 6 tháng tuổi thì trẻ sẽ trở lại nghe, nói bình thường. Trong trường hợp can thiệp trễ dẫn tới điếc sâu thì khả năng này gần như không thay đổi, chính vì vậy trẻ gần như không thể tham gia học tập, hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Tài nói.
Ngành y tế chưa quan tâm
Bác sĩ Tài cho rằng có đến 96% trẻ nghe kém là được sinh ra ở các cơ sở y tế nhưng nơi đây không tầm soát để phát hiện trẻ nghe kém bẩm sinh, đến khi gia đình phát hiện đưa vào những trung tâm thính lực mới phát hiện thì đã quá trễ.
Cứ 100 trẻ nghe kém có 25 trẻ từng phải nằm dưỡng nhi, 10 trẻ bị ngạt lúc sinh và 70 trẻ sinh đủ tháng, 34,4% các trường hợp được chẩn đoán nghe kém có bà mẹ bị sốt phát ban trong thai kỳ. Tuy nhiên chỉ có 1/3 trong số các bà mẹ được xét nghiệm chẩn đoán về rubela, những người còn lại không được quan tâm.
Theo bác sĩ Tài, ở các nước phát triển họ đều có chương trình tầm soát nghe kém dành cho tất cả các trẻ mới sinh ra, chứ không riêng gì những trẻ có nguy cơ nghe kém. Chính điều này đã phát hiện rất sớm trẻ bị nghe kém bẩm sinh, xử lý sớm. Ngay như ở Mỹ có tới 97% trẻ em sinh ra được tầm soát nghe kém bẩm sinh.
“Nếu chúng ta có chương trình tầm soát trẻ nghe kém bẩm sinh được phổ quát trên diện rộng thì trẻ nghe kém bẩm sinh được phát hiện, can thiệp sớm nhiều hơn chứ không phải nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn như hiện nay. Ngành y tế Việt Nam dường như đang bỏ trống việc tầm soát trẻ bị nghe kém bẩm sinh đang khiến cho tình trạng trẻ bị điếc bẩm sinh phát hiện trễ, không có khả năng chữa trị thành công rất cao”, bác sĩ Tài chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động Thương binh và xã hội khoảng 1/3 trẻ em khuyết tật ở Việt Nam chưa bao giờ được tiếp cận điều trị, đặc biệt là những trẻ ở vùng nông thôn. Với những trẻ khiếm thính chỉ có khoảng 2% được mang máy trợ thính. Con số này thấp hơn gấp chục lần so với trẻ bị khiếm thị được can thiệp bằng cách mang kính.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết dù mỗi năm bệnh viện phát hiện khoảng 400 trẻ bị điếc bẩm sinh nhưng chưa tới 5% trong số đó được can thiệp bằng phương pháp cấy ốc tai điện tử.
Nếu trẻ được xác định thính lực bị ảnh hưởng nhẹ vẫn có thể giao tiếp với bên ngoài thì không cần hỗ trợ chuyên môn. Tuy nhiên những trẻ bị nặng phải được hỗ trợ máy bằng trợ thính (khuếch đại âm thanh), trẻ điếc sâu sẽ phải cấy ốc tai điện tử nhưng hầu hết trẻ không thể tiếp cận được giải pháp hỗ trợ này.
“Chí phí cho một ca cấy ốc tai điện tử ở trẻ là khoảng 500 triệu đồng lại không được bảo hiểm y tế chi trả. Có thể đó là một chi phí quá cao đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo không đủ điều kiện. Điều này khiến cho hầu hết trẻ bị điếc sâu đã phải chấp nhận cảnh sống câm lặng suốt đời”, bác sĩ Như lý giải.