Ngày 10/3, Tiến sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, vàng da, vàng mắt, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
"Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị thiếu máu nặng do tan máu, suy gan, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu, điện giải", bác sĩ Tình nói.
Bệnh nhân được điều trị, chăm sóc tích cực bằng truyền máu để hỗ trợ các tạng suy. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân tạm ổn định.
|
Lá du mại hình bầu dục dài 10-14 cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa. Ảnh: BSCC |
Cây du mại có nhiều tên gọi khác nhau như lộc mại, rau mại, rau mọi. Lá hình bầu dục dài 10-14 cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa. Cây mọc tự nhiên, phổ biến nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bác sĩ Tình cho biết lá du mại thường được bà con sử dụng làm rau ăn, chế biến với thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh trong đó có bệnh táo bón. Đáng nói, dù đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của lá du mại khi sử dụng làm thức ăn, nước uống nhưng hằng năm vẫn có những ca ngộ độc nhập viện cấp cứu.
"Độc tố của lá du mại có thể gây vỡ hồng cầu (tan máu) dẫn đến thiếu máu nặng, đặc biệt là ở những người thiếu hụt men G6PD", bác sĩ Tình cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không sử dụng lá du mại làm thức ăn, đồ uống, đặc biệt ở người thiếu men G6DP. Khi không may bị ngộ độc, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến kịp thời.