Ngày hôm qua, cô bạn thân của tôi gọi điện mếu máo: “Tao sắp phát điên rồi mày ạ. Cứ thế này có khi bọn tao chia tay mất”.
- Có chuyện gì thế? – Tôi vội vàng hỏi
- Bọn tao cãi nhau và “chiến tranh lạnh” cả tuần nay rồi.
- Thế lý do là gì?
- Lão có bồ mày ạ!
- Thật á, mày chắc không?
- Không chắc 100% nhưng tao có linh cảm là thế.
- Sao không hỏi cho rõ ngọn ngành, cứ hoài nghi thế mệt mỏi lắm
- Tao hỏi rồi nhưng lão chối. Tao cũng chán rồi, chẳng muốn nói gì nữa, muốn buông xuôi tất cả…
|
Ảnh minh họa. |
Nghe đến đây, bỗng dưng, một thứ cảm xúc khác lạ chạy dọc cơ thể tôi. Tôi lo lắng cho cô bạn, lo cô ấy sẽ không đủ tỉnh táo đưa ra quyết định vội vàng để rồi lại đi vào vết xe đổ của tôi.
Bỗng chốc, những ký ức đã chôn chặt trong lòng tôi lại chợt ùa về…
Tôi đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một người chồng biết yêu thương gia đình. Nhưng hạnh phúc đến với tôi quá ngắn ngủi và không ai khác, chính tôi đã tự tay hủy hoại hạnh phúc của mình. Hôn nhân đổ vỡ cũng chỉ vì cái "tôi" của tôi quá lớn, vì tôi quá bảo thủ với “quyền im lặng” của mình.
Trước đây, mỗi lần vợ chồng to tiếng, thay vì ngồi lại với nhau để phân tích đúng sai và tìm hướng khắc phục, tôi lại chọn phương án im lặng và châm mồi cho một cuộc “chiến tranh lạnh” bắt đầu.
Không một lời nói nào được phát ra, không một “ám hiệu” thể hiện sự hòa giải, mọi việc cứ trôi qua trong im lặng, việc ai người nấy làm, cơm ai người nấy ăn, thậm chí đến nhìn mặt nhau cũng là một sự…ép buộc.
Khi ấy, căn phòng hạnh phúc của hai vợ chồng tôi bỗng trở thành “nhà tù chung thân” - nơi các tù nhân đều trong tâm thế muốn vượt ngục, thoát khỏi sự ngột ngạt, bí bách…
Đã không ít lần, chồng tôi “xuống nước” hòa giải trước nhưng tôi vẫn khăng khăng bảo vệ "quyền im lặng" của mình. Dĩ nhiên, thời điểm ấy, tôi cho mình làm thế là đúng. Tôi cũng chẳng biết bắt đầu từ khi nào, tôi tự cho mình cái “quyền” ấy.
Tôi sử dụng nó trong mọi lần xích mích với chồng. Nó được coi như một thứ “vũ khí” của tôi để chinh phục đối phương trong các "cuộc chiến". Nhưng tôi không ngờ, có ngày, thứ “vũ khí” ấy đã làm tổn thương ngược lại chính bản thân tôi. Và tôi biết rằng, chồng tôi cũng đã rất mệt mỏi, đau khổ để rồi đưa ra quyết định buông xuôi như thế.
Tôi không trách chồng, vì tôi biết, khoảng thời gian đó, anh đã cố gắng rất nhiều để cứu vãn tình hình, cứu vãn cuộc hôn nhân trên bờ vực thẳm của chúng tôi. Nhưng ngược lại với những nỗ lực ấy của anh, chính tôi lại luôn đẩy anh ra xa để rồi giờ đây, tôi phải trả giá bằng sự hối hận muộn màng.
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi nhận ra rằng, sự im lặng chính là con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp làm dịu đi những cơn nóng giận của đối phương trong cuộc cãi vã nhưng cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa hai người nếu im lặng bị duy trì quá lâu.
Trong cuộc sống hôn nhân không thể tránh được những lúc hiểu lầm, giận dỗi hay cãi vã. Khi đó, việc quan trọng nhất mà cả người chồng hay người vợ phải nắm được đó là biết im lặng đúng lúc giống như câu nói của người xưa: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Nếu biết tiết chế, sử dụng “quyền im lặng” một cách khôn khéo, đó sẽ được coi là một phương án tức thời đem lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng, im lặng không phải là một giải pháp tối ưu vì nó không giúp giải quyết triệt để vấn đề.
Cách tốt nhất, vợ chồng nên ngồi lại cùng nhau để tìm ra nguyên nhân của những khúc mắc, giải thích rõ để không nghi ngờ và hiểu lầm lẫn nhau. Thẳng thắn nhận lỗi nếu mình sai để cùng bàn bạc đưa ra hướng giải quyết và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Có như vậy, cuộc sống hôn nhân mới hạnh phúc bền lâu.