Biểu hiện trên gương mặt như quầng thâm dưới mắt, da nứt nẻ, má mẩn đỏ, có thể cảnh báo những bất thường đang diễn ra trong cơ thể.
Những bất thường trong cơ thể có thể biểu hiện bằng nhiều dấu hiệu. Da khô, môi nứt nẻ và nếp nhăn đối với bạn có thể là vấn đề nhỏ của thời tiết tác động, hay bạn thiếu chất trong cơ thể. Theo She knows, đôi khi, những dấu hiệu này có thể cho bạn biết về căn bệnh mình đang mắc.
|
Mắt thâm quầng do thiếu ngủ. Ảnh: She Knows |
Quầng thâm dưới mắt
Vùng da dưới mắt trên khuôn mặt rất mỏng vì thế nó dễ dàng bị tác động bởi ánh nắng và môi trường. Quầng thâm dưới mắt không chỉ tố cáo bạn thiếu ngủ mà còn cho thấy chế độ ăn thiếu hợp lý. Hãy giảm sữa, tinh bột và đồ uống có cồn, chất kích thích để lấy lại sự cân bằng sức khỏe.
Mắt sưng húp
Đôi mắt sưng húp có thể liên quan đến các vấn đề về thận. Nếu bạn từng tiêm botox, vùng cơ mắt có thể suy yếu mà không thể bài tiết chất lỏng như thông thường dẫn đến phù nề, giữ nước. Vấn đề có thể giải quyết bằng việc giảm bơm botox, massage phù bạch huyết. Ngoài ra, nếu vấn đề nghiêm trọng hơn, bạn nên gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác và kịp thời các vấn đề sức khỏe liên quan.
Vùng má mẩn đỏ
Da mặt rất mỏng và nhạy cảm. Quá trình lão hóa và hư tổn da biểu hiện rõ và sớm nhất ở vùng má. Khi vùng da ở má xuất hiện những vết mẩn đỏ, lộ rõ mạch máu, bạn nên nghĩ đến các vấn đề về lão hóa hay dị ứng môi trường, mỹ phẩm. Bổ sung vitamin A, C hay điều trị bằng laser có thể giải quyết vấn đề.
Da mặt xuất hiện vết nứt nẻ, rạn da
Những vết rạn trên da mặt là dấu hiệu của tình trạng khô da, thiếu nước dẫn đến nứt nẻ, đóng vảy, đặc biệt trong thời tiết khô, giao mùa. Tình trạng này có thể xuất hiện ở vùng ngực, da đầu và dẫn đến viêm tuyến bã nhờn. Bạn có thể khắc phục đơn giản bằng kem dưỡng và cung cấp nước đầy đủ cho da.
Quá nhiều lông mặt
Mọc lông bất thường ở vùng mặt có thể là dấu hiệu rối loạn hormone. Tình trạng này đi kèm với viêm da, mụn trứng cá bất thường có thể do sự sản xuất estrogen quá độ. Ở phụ nữ, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Bạn nên gặp bác sĩ dã liễu và phụ khoa để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều chỉnh hormone kịp thời.
Mụn
Theo Đông y, mụn xuất hiện ở từng vùng trên gương mặt có thể liên quan đến các bộ phận nội tạng khác nhau. Ví dụ, mụn ở vùng trán liên quan đến các vấn đề về gan và dạ dày. Bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và thải độc cơ thể. Mụn ở vùng hàm dưới là kết quả của việc tiêu thụ nhiều thực phẩm tinh chế, đồ ngọt, thức ăn nhanh… Bạn cần điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh và bổ sung nước để cân bằng sức khỏe.