Sức ép mới của Ukraine
Trong một vài tháng qua, các lực lượng của Ukraine đã từng bước giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở phía Nam và phía Đông. Trong khi cuộc phản công vẫn tiếp diễn thì các nước phương Tây đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Theo các bài báo, một số nước hối thúc Kiev đẩy nhanh tiến độ chiến dịch. Số khác thì thúc đẩy đàm phán giữa Nga và Ukraine khi tin rằng đây là cơ hội tốt nhất để chấm dứt xung đột, thậm chí cả khi điều đó có lợi cho Moscow.
Không giống như cuộc phản công của Ukraine trong mùa xuân năm 2022, cuộc phản công hiện nay ở phía Nam và phía Đông diễn ra với nhịp độ chậm hơn nhiều. Các lực lượng của Nga đã tăng cường vị trí tại những khu vực này, đồng thời bố trí hệ thống phòng thủ bao gồm các bãi mìn, chiến hào sâu và chướng ngại vật chống tăng. Chúng đã cản bước tiến công của Ukraine, đồng thời buộc Kiev phải đưa ra những quyết định có tính toán ở phía Đông và phía Nam nhằm đảm bảo hạn chế tối đa thương vong.
|
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành 2S22 Bohdana ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters |
Hiện nay, sức ép mới của Ukraine đã xuất hiện. Trong khi các nước phương Tây vẫn tuyên bố đứng về phía Kiev thì những sự kiện gần đây cho thấy sự hỗ trợ này đang bị đe dọa.
Gần đây, Ba Lan thông báo áp lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để đảm bảo lợi ích của nông dân nước này. Đáp lại, Ukraine cho biết đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới - một động thái khiến Warsaw không hài lòng. Thủ tướng Ba Lan tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine mặc dù Tổng thống Andrzej Duda sau đó đã giải thích về quyết định này, tức là Warsaw sẽ không cung cấp vũ khí mới cho Kiev vốn là một phần trong quá trình hiện đại hóa quân đội Ba Lan.
Trong khi đó, mức độ hỗ trợ cho Ukraine ở Mỹ có dấu hiệu suy giảm. Ngày 30/9, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn kéo dài 45 ngày sau những bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, dự luật này không bao gồm khoản ngân sách hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Dù vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller vẫn khẳng định, đa số các thành viên trong lưỡng đảng Mỹ ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
"Chúng tôi không cho phép sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine gián đoạn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào", ông Miller nói.
Tổng thống Joe Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cam kết về sự "hỗ trợ không lay chuyển" cho Kiev, trong khi Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng có cùng quan điểm.
Bất chấp những tuyên bố này, các sự kiện gần đây cho thấy sự ủng hộ “không lay chuyển” đang dần lay chuyển?
"Có lẽ là mọi người đều đã mệt mỏi vì xung đột. Họ mệt mỏi vì những tin xấu và phản ứng đó là đương nhiên", Mary Kate Schneider, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Loyola Maryland cho hay. Chuyên gia Schneider nhận định, Nga đang đánh cược rằng sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine sẽ suy giảm. Còn theo chuyên gia Steven Myers, người từng làm việc tại Ủy ban Cố vấn Chính sách Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, chiến lược trên của Nga đang hiệu quả.
Nhà quan sát Myers cho rằng, hiện nay người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề lạm phát, thị trường chứng khoán, giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Họ lo ngại về an ninh biên giới, vấn đề tội phạm và chất lượng giáo dục.
"Thế nhưng, điều họ nghe từ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ là gì? Đó là ưu tiên quan trọng nhất là cung cấp tài chính cho Ukraine để bảo vệ chúng ta trước Nga. Họ hoàn toàn không thể hiểu điều đó".
Ở một diễn biến khác, tại Slovakia, đảng của cựu Thủ tướng Robert Fico đã giành chiến thắng. Trước đó, ông Robert Fico đã cam kết sẽ ngăn cản Ukraine gia nhập NATO, đặt câu hỏi về khả năng Kiev đánh bại Moscow, cũng như hối thúc đàm phán để chấm dứt xung đột. Điều đáng nói là Slovakia không phải quốc gia NATO đầu tiên bất đồng với Kiev.
Phương Tây có sẵn sàng “quay lưng” với Ukraine?
Những sự kiện ở Ba Lan, Slovakia và Mỹ là những dấu hiệu cảnh báo ban đầu cho Ukraine. Chúng cho thấy sự ủng hộ của phương Tây đang suy giảm và thậm chí một số ứng viên sẵn sàng trao đổi việc hỗ trợ Ukraine để đạt được sự ủng hộ của các cử tri phản đối động thái này. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy xu hướng sụt giảm về mức độ ủng hộ Ukraine ở Mỹ và châu Âu.
Điều này sẽ trở nên phức tạp hơn vào năm sau. Ngoài cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, các đối tác khác của Ukraine như Bỉ, Phần Lan, Đức, Romania và Anh cũng sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Các đảng chính trị cực hữu theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ và những nhóm này thường phản đối sự hỗ trợ cho Kiev.
Dựa vào kết quả các cuộc bầu cử tại những nước này, thế giới có thể chứng kiến một bối cảnh chính trị rất khác vào năm tới. Nói cách khác, sự ủng hộ hiện tại cho Ukraine không thể coi là điều đương nhiên và không có gì đảm bảo nó sẽ kéo dài sau năm tới.
Ngoài ra, nhịp độ chiến dịch chậm chạp vào mùa đông sẽ trao lợi thế cho bên phòng thủ, Zev Faintuch, nhà phân tích tình báo cấp cao tại công ty an ninh Global Guardian đánh giá.
"Nếu Ukraine không sớm giành được thành quả chiến lược thì thời gian sẽ là kẻ thù lớn nhất của họ bởi khả năng cuộc xung đột rơi vào đóng băng ngày càng gia tăng".
Giới quan sát cho rằng, trong trường hợp sự ủng hộ cho Ukraine suy giảm vào năm 2024, cộng đồng quốc tế sẽ gây sức ép lên Kiev để nước này phải đàm phán và có thể là ký một thỏa thuận có lợi cho Moscow. Ngoài ra, kịch bản trên cũng cho phép Nga tổ chức lại lực lượng và hoạch định lại chiến lược. Với những bài học rút ra trong quá trình tiến hành chiến dịch quân sự vừa qua cũng như khả năng phương Tây không còn động lực hỗ trợ Kiev, Nga có thể sẽ mở một cuộc tấn công mới vào Ukraine và đạt thêm những bước tiến quan trọng.