Chiến dịch sắp tới nhằm tìm cách giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát phía đông và nam Ukraine.
Ngoài mặt Nhà Trắng cam kết tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Ukraine, cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ và viện trợ kinh tế “chừng nào còn cần thiết”. Các quan chức Mỹ khẳng định đang làm mọi thứ có thể để chiến dịch phản công của Ukraine thành công. “Chúng tôi gần như đã hoàn thành toàn bộ yêu cầu mà Kiev đưa ra cho cuộc phản công của họ, chúng tôi đã chuyển hàng loạt vũ khí và thiết bị tới Ukraine trong vài tháng qua” - theo lời một quan chức Mỹ.
Tuy nhiên, theo một số quan chức Nhà Trắng giấu tên, nếu chiến dịch phản công không giành được thắng lợi đáng kể, Mỹ sẽ đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có thể bị sự chỉ trích gay gắt. Những nhân vật có quan điểm cứng rắn sẽ cho rằng Mỹ và các đồng minh đã không cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Trong khi đó, những nhân vật có quan điểm ôn hòa sẽ coi đó là bằng chứng cho thấy Ukraine không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Những lo ngại đó gần đây đã lộ ra ngoài trong các tập tài liệu an ninh mật bị rò rỉ thời gian qua. Trong đó, Lầu Năm Góc đánh giá Ukraine không nhiều khả năng giành thêm lãnh thổ ở phía nam và phía đông, như đợt phản công hồi năm ngoái.
Quân đội Mỹ cũng tin rằng cuộc xung đột lúc này đã trở thành cuộc chiến tranh chiến hào, không bên nào có thể tiến xa và nhanh đáng kể. Các lực lượng của Ukraine cũng đã sử dụng “số lượng đạn dược và vũ khí chưa từng có” và ngay cả khả năng sản xuất khổng lồ của phương Tây cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của Kiev.
Nhiều quan chức Nhà Trắng đã thảo luận về việc nên kêu gọi Ukraine chấp nhận một “thỏa thuận ngừng bắn”, thay vì đàm phán đạt được hòa bình lâu dài, để tạo điều kiện cho Ukraine giành lại thêm lãnh thổ trong tương lai. Đi kèm với đề xuất này là cam kết an ninh, hỗ trợ kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU), viện trợ quân sự để củng cố quân đội Ukraine. Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng hy vọng thuyết phục Trung Quốc kêu gọi Nga ngồi vào bàn đàm phán.
Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ cũng e dè về việc viện trợ vũ khí khi mà chiến thắng của Ukraine ngày càng xa dần. Sự ủng hộ của người dân châu Âu có thể giảm xuống do chi phí năng lượng và sinh hoạt tiếp tục ở mức cao.