Nghệ - loại dược liệu được cho có công dụng trong việc phòng và trị nhiều bệnh, nhất là ngăn ngừa khối u. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích kiểm nghiệm của tòa soạn với loại tinh bột nghệ đang bán trên thị trường cho thấy, không phải cứ có mùi nghệ, màu nghệ thì đúng là bột hoặc tinh bột nghệ nguyên chất.
Ma trận tinh bột nghệ
Chỉ cần một cái bấm chuột là hàng loạt trang mạng rao bán bột nghệ, tinh bột nghệ hiện ra, với nhan nhản công dụng chữa bệnh. Tại trang mạng thaoduocviet.vn giới thiệu: "Tinh bột nghệ là tinh chất cao cấp được tinh chế từ củ nghệ vàng và chứa hoạt chất chính là curcumin. Đây là chất đã được Bộ Y tế kiểm định và xác nhận đạt trình độ tinh khiết trên 92%, vượt mức yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế (90%). Tinh nghệ vàng chứa nhiều curcumin, là chất diệt tế bào ung thư, rất tốt cho sức khoẻ, gan mật. Ngăn chặn không cho hình thành các tế bào ung thư mới, không gây tác dụng phụ. Nó có khả năng loại bỏ các loại men gây ung thư COX-1, COX-2, gốc tự do có trong thức ăn và nước uống hằng ngày...".
Còn tại trang mạng tinhnghevn.vn thì giới thiệu: "Tinh bột nghệ nguyên chất giúp thải độc, rất tốt cho phụ nữ sau sinh nở, đắp mặt nạ dưỡng da, giúp làm mờ các vết thâm, sẹo do mụn để lại, giúp chị em phụ nữ có một làn da trắng hồng rạng rỡ... Giá bán của các sản phẩm trên từ 700.000đ/kg đến gần 2.000.000đ/kg".
|
Bằng mắt thường người dùng không thể nhận biết được tinh bột nghệ đạt chất lượng hay không. |
Cũng theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều chợ ở TPHCM bán chủ yếu là bột nghệ và viên nghệ mật ong. Tại chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp, TPHCM), bà Trần Thị Minh, chủ sạp hàng đưa cho chúng tôi xem loại bột nghệ đựng trong túi nilon không nhãn mác, giá 200.000đ/kg và cho biết: "Đây là bột nghệ nguyên chất, gia đình tự làm bán, chữa được nhiều bệnh". Tuy nhiên, chất lượng của các loại tinh bột nghệ như thế nào thì người tiêu dùng khó mà nhận biết.
Giảm tác dụng nếu thiếu chất chính
Để đánh giá chính xác, KH&ĐS đã gửi mẫu tinh bột nghệ của Công ty TNHH thương mại Thảo dược Việt (quận Tân Bình, TP HCM) đi phân tích định tính bằng phương pháp sắc ký tại Khoa Dược liệu, trường Đại học Y dược TPHCM. Kết quả cho thấy, hoạt chất curcumin (sắc tố vàng) trong sản phẩm rất ít, chủ yếu là chất độn và tá dược.
|
Bột nghệ tự chế bán tại chợ Gò Vấp, TPHCM. |
Theo TS Võ Văn Năm, Phó trưởng Bộ môn Dược liệu, trường Đại học Y Dược TP HCM, tinh bột nghệ chứa quá nhiều chất độn chỉ giúp dễ uống. Quan trọng là hoạt chất curcumin (sắc tố màu vàng) có nhiều hay ít trong sản phẩm. Bởi vì sắc tố vàng mới có nhiều tác dụng, nếu sản phẩm có quá ít hoạt chất này thì chẳng có ý nghĩa gì ngoài chất xơ. Quá trình chế biến tinh bột nghệ không đúng kỹ thuật cũng là nguyên nhân làm mất hoạt chất của nghệ. Hoạt chất curcumin trong nghệ có nhiều tác dụng cho sức khoẻ như lợi mật, thông mật, chống ung thư, đặc biệt là ngừa ung thư đại tràng, chống lão hóa...
Tuy nhiên, nếu dùng bột nghệ từ cả củ nghệ, trong đó có cả hàm lượng curcumin và cả tạp chất, nhất là lượng tinh dầu sẽ gây nóng, khó uống. Do đó, người ta tách ra chỉ lấy tinh bột nghệ, loại trừ các thành phần không cần thiết. Chính vì vậy, chế biến được một cân tinh bột nghệ, phải tốn nhiều nghệ tươi nên nhiều người hám lợi đã độn vào dược liệu khác mà không có tác dụng gì. Người dùng phải phân biệt rõ bột nghệ và tinh bột nghệ, công dụng của chúng.
Theo các chuyên gia, curcumin là hoạt chất tạo nên tác dụng sinh học của củ nghệ. Trong củ nghệ tươi hàm lượng curcumin chiếm tối đa là 3 - 5%. Quá trình chế biến, sản xuất nếu thành phần curcumin đã mất đi hoặc còn quá ít, khi đó chỉ còn lại tinh bột, không có tác dụng sinh học thì sản phẩm gần như mất tác dụng chữa bệnh, chưa kể sản phẩm bị độn xác bột nghệ đã chiết hoạt chất, hoặc dược liệu cùng màu, cùng mùi.
Dùng bột nghệ hoặc nghệ tươi sẽ còn nguyên các thành phần có trong nghệ như tinh dầu, hoạt chất curcumin... nhưng khó uống và có thể gây nóng. Tinh bột nghệ dễ uống do được thải bỏ một số tạp chất, nhưng người dùng không thể nhận biết được hàm lượng curcumin trong sản phẩm nhiều hay ít qua màu sắc của tinh bột nghệ, mà chỉ biết được bằng cách phân tích định tính, định lượng.
GS.TS Nguyễn Minh Đức (trường Đại học Y dược TPHCM)