Sinh con là một phần thiết yếu của mỗi một cặp vợ chồng. Với phụ nữ nói riêng, sinh con và làm mẹ là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Một khi những nỗ lực để mang thai và sinh con không được như ý, nhiều cặp vợ chồng phải trải qua một giai đoạn tồi tệ cả thể xác lẫn tinh thần.
Vô sinh được định nghĩa là không mang thai sau 12 tháng quan hệ tình dục một cách hợp lý (2-3 lần/tuần và không sử dụng biện pháp tránh thai).
Trong vài thập niên trở lại đây, có rất nhiều nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến vô sinh. Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin mới nhất và quan trọng nhất về vấn đề vô sinh.
Thừa cân và béo phì
Có một mối liên quan mật thiết giữa thừa cân/béo phì với vô sinh. Một nghiên cứu từ ĐH Alma Mater Studiorum, Ý chỉ ra ở phụ nữ, béo phì dẫn đến bất thường kinh nguyệt, không rụng trứng hay rụng trứng không đều và gây vô sinh ở tuổi trưởng thành.
|
Ảnh minh họa. |
Béo phì ở nữ còn làm tăng nguy cơ sảy thai và kết cục thai kỳ xấu khi chỉ số khối của cơ thể (BMI) lớn hơn 30 kg/m2. Ở đàn ông, béo phì liên quan đến sự giảm nồng độ testosterone.
Ở những người béo phì nặng, nồng độ testosterone giảm mạnh dẫn đến rối loạn trong quá trình sản xuất tinh trùng và cuối cùng là vô sinh. Vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý là bước đầu tiên bạn nên làm để tránh nguy cơ vô sinh.
Stress
Thực tế, cơ chế chính xác về mối liên quan giữa stress và vô sinh vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress có ảnh hưởng xấu lên khả năng thụ thai.
Khả năng thụ thai dễ xảy ra vào thời điểm cả hai người cảm thấy hạnh phúc và thoải mái. Ngược lại, ở thời điểm mà họ căng thẳng hay lo lắng thì rất khó có thai. Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh rằng stress đóng vai trò quan trọng đối với khả năng thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Như vậy, stress ảnh hưởng đến khả năng thành công trong thụ thai tự nhiên lẫn nhân tạo.
Qua khảo sát cho thấy phụ nữ khi quá stress sẽ rụng trứng ít hơn 20% so với bình thường. Điều đáng nói vấn đề giảm rụng trứng có thể điều trị bằng thuốc nhưng sau khi điều trị bằng thuốc thì khả năng thụ thai vẫn không tăng lên.
GS Allen Morgan, Giám đốc Viện nghiên cứu Shore về vấn đề sinh sản, Hoa Kỳ, cho biết: “20 năm trước, tỉ lệ vô sinh không rõ nguyên nhân là 10%-20%. Ngày nay đã tăng lên 40%. Cơ thể con người không khác đi, chỉ là mức độ stress đang tăng lên rất mạnh”.
Theo một nghiên cứu từ Đức, phụ nữ được trị liệu châm cứu để thư giãn ngay trước khi đưa phôi thụ tinh vào tử cung có tỉ lệ thụ thai thành công là 42,5%, so với 26,3% ở người không được châm cứu.
Ngoài châm cứu, massage cũng là một biện pháp giúp giảm stress. Các nhà khoa học cho biết liệu pháp massage làm giảm những dấu hiệu của stress như nhịp tim và sóng não. Còn rất nhiều phương pháp thư giãn khác mà bạn có thể dễ dàng tìm hiểu qua các bài viết về sức khỏe để triệt tiêu stress.
Làm gì để giảm nguy cơ vô sinh
Một nghiên cứu dịch tễ học từ ĐH Harvard, Hoa Kỳ cho thấy nhiều vấn đề về lối sống tác động trực tiếp đến tình trạng vô sinh.
Những yếu tố chủ yếu bao gồm BMI quá cao hoặc quá thấp, thức uống có cồn như rượu bia, thiếu vận động thể lực, nicotine (trong thuốc lá) và thuốc chống trầm cảm… Phần lớn các yếu tố trên đều liên quan đên lối sống, hạn chế những yếu tố này sẽ làm cải thiện khả năng mang thai.
Nói tóm lại, béo phì và stress ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ vô sinh. Có thể còn nhiều yếu tố khác mà khoa học vẫn chưa khám phá hết. Vô sinh đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hôn nhân, gia đình và cả xã hội. Dù nguyên nhân từ người chồng hay vợ, vô sinh phải được coi là một vấn đề chung và cần cùng nhau chia sẻ, giải quyết.
Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):