Thói quen ăn mặn sẽ khiến người Việt đối mặt với loạt bệnh nguy hiểm

Google News

Thói quen ăn mặn sẽ khiến người Việt phải đối mặt với hàng loạt những tác hại nguy hiểm dưới đây.

Tác hại của thói quen ăn mặn
Ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch và là cội nguồn của nhiều căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao.
Theo TS.BS TrầnThị Minh Hạnh, Trưởng Phòng Dinh dưỡng cộng đồng – Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM: Khi ăn mặn, cơ thể chúng ta sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn. Khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc “quá công suất” mới lọc máu được. Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Vì thế, chẳng những ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch mà còn dẫn đến huyết áp tăng cao.
Theo WHO, không chỉ ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch mạch mà còn đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ. Không những vậy, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, ăn mặn còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh khác như: suy thận, loãng xương, ung thư dạ dày...
 
Dưới đây là những tác hại nguy hiểm mà người ăn mặn phải đối mặt:
Mất nước, cơ thể sưng phù
Ăn quá nhiều muối sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước, từ đó dẫn đến tích nước. Hệ quả của điều này là làm cho cơ thể bị sưng phù, nhất là các bộ phận như tay, chân...
Chưa dừng lại ở đó, khi giữ nước như vậy, các bộ phận bên trong cơ thể sẽ không có đủ nước để các hoạt động một cách bình thường. Tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên sẽ không tốt cho sức khoẻ chút nào.
Huyết áp cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Tình trạng này rất dễ xảy ra ở những người ăn nhiều muối thường xuyên. Khi bạn nạp nhiều muối vào bên trong cơ thể, natri sẽ hút nước qua thành động mạch vào trong mạch máu khiến cho lượng nước và áp suất nước tăng lên. Áp lực máu trong lòng động mạch tăng cao sẽ gây cao huyết áp. Dần dần, tình trạng này kéo dài sẽ khiến chúng ta mắc bệnh cao huyết áp. Về lâu dài, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch là điều khó tránh khỏi.
Dễ gây sỏi thận, suy thận
Thận đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý lượng muối nạp vào cơ thể. Việc bạn ăn mặn thường xuyên sẽ gây áp lực cho thận khi phải làm việc liên tục để lọc bỏ và đào thải các chất cặn bã. Về lâu dài, nó sẽ làm giảm khả năng hoạt động của thận, dễ dẫn đến suy thận. Nghiêm trọng hơn, lượng canxi và natri dư thừa nếu không được lọc bỏ triệt để và đi vào nước tiểu có thể dẫn đến bệnh sỏi thận.
Không tốt cho dạ dày
Theo nhiều nghiên cứu, việc thói quen ăn mặn thường xuyên có mối liên hệ chặt chẽ với rất nhiều căn bệnh về dạ dày. Hấp thu nhiều muối dễ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn H. pylori trong dạ dày, khiến nguy cơ viêm loét gia tăng. Thậm chí, năm 1996, Tạp chí Quốc tế về Dịch tễ học đã công bố nghiên cứu chứng minh nhiều trường hợp chết vì ung thư dạ dày là do thói quen ăn quá nhiều muối. Vì thế, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong vấn đề này.
Mỗi ngày, một người chỉ dùng dưới 6g muối
Trung bình mỗi ngày, một cơ thể bình thường nên tiếp nhận không quá 6g muối, tương đương 2,3g na-tri. Còn đối với người đã có bệnh, đặc biệt những bệnh liên quan đến muối, càng phải hạn chế và tốt nhất nên theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Chẳng hạn: Người bị cao huyết áp không nên dùng quá 5g muối/ngày.
Khi chế biến thức ăn, bạn nên cân nhắc đến khẩu phần ăn của mỗi người sao cho phù hợp. Các loại rau, củ, quả trong tự nhiên hoặc những món ăn như cà hay dưa muối đều có một hàm lượng muối nhất định.
Đối với các loại thức ăn đã chế biến sẵn, trên bao bì sẽ ghi hàm lượng muối. Mỗi 1g muối chứa khoảng 0,4g na-tri. Do vậy, nếu trên bao bì chỉ ghi thành phần na-tri, bạn hãy nhân 2,5 lần. Như thế, bạn sẽ có được số lượng muối trong thành phẩm.
Theo Hải Hà/Khỏe và Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)