"Xuân này con không về"
15 năm trước, chị Kado Kiều (sinh năm 1981) một mình sang Nhật Bản tu nghiệp. Sau khi kết thúc tu nghiệp, chị về Việt Nam năm 2005.
Duyên số đã cho chị làm quen với anh, một người đàn ông cũng đến đất nước Nhật Bản. Qua 3 tháng trò chuyện bằng những lá thư, họ biết rằng tình cảm dành cho nhau đã vượt lên trên mức tình bạn.
|
Chị Kado Kiều, người phụ nữ đã mang cái Tết Việt đến với đất nước Nhật Bản suốt 15 năm qua. |
Anh sang Việt Nam thăm chị, rồi sau đó chị đã theo anh sang Nhật chung sống. 18 tháng sau, anh chị trở về Việt Nam làm đám cưới rồi lại quay lại Nhật Bản. Hiện gia đình chị Kado Kiều sinh sống tại tỉnh Chiba, Nhật Bản.
|
Hiện gia đình chị Kado Kiều sinh sống tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. |
Mỗi năm, chị Kado Kiều về Việt Nam chơi một lần. Lúc đầu, chị thường về dịp Tết. Có dịp đi cùng chồng và các con. Tuy nhiên, có dịp chồng chị không xin nghỉ dài được nên chỉ có mình chị và con về quê hương.
Lúc chị Kado Kiều sinh bé thứ hai, chồng chị thi vào Đại học JAIST. Do bận công việc, học hành nên có những năm, mẹ con chị không thể về quê dịp Tết. “Những cái Tết không về Việt Nam được thấy buồn, nhớ nhà kinh khủng”, chị Kado Kiều nói. Và để xua đi nỗi nhớ, bà mẹ ba con lại cặm cụi nấu những món ăn Tết Việt một cách tươm tất nhất có thể.
Mẹ ba con vẫn cặm cụi nấu đủ món Tết
Dù bận bịu chăm sóc ba đứa con nhỏ nhưng chị Kado Kiều vẫn tự tay làm rất nhiều món ăn Tết Việt truyền thống. Ở Nhật lâu nên chị thường sử dụng nguyên liệu của Nhật để thay thế nguyên liệu Việt Nam. Còn những thứ ở Nhật không có, chị sẽ lên mạng tìm đến các cửa hàng Việt Nam bán online mua đồ nấu cơm Tết.
|
Món ăn Tết Việt truyền thống tại đất nước Nhật Bản do bà mẹ ba con tự tay làm nên. |
Không phải ngẫu nhiên mà chị Kado Kiều lại “đầu tư” công sức tỉ mỉ đến thế! Bản thân chị rất thích nấu ăn, hơn nữa chồng chị và các con cũng thích món ăn Việt Nam nên chị hay nấu nướng. Tự tay chị làm đủ các món Việt, từ món đơn giản như phở, gỏi cuốn… cho tới những món cực tỉ mỉ như bún bò Huế, bánh chưng, bánh nếp…
|
Gói bánh chưng Tết, hồi hộp từng công đoạn. |
“Ra quán ăn không được tiện lợi như ở Việt Nam, muốn ăn chỉ có…lăn vào bếp. Món nào không biết mình lên mạng tìm, xem họ làm thế nào rồi tự học, tự làm. Món nào cũng làm thử cho biết, rồi đam mê, tìm tòi, hồi hộp từng công đoạn, điều chỉnh sao cho hài hòa với khẩu vị của người Nhật để chồng con ăn hàng ngày”, chị Kado Kiều cho biết.
|
Niềm vui khi nhận được thùng quýt ăn Tết gửi từ quê nhà Việt Nam. |
Có năm chị được mẹ gửi sang một thùng quýt để cả nhà “ăn Tết”. Mới đây, ba mẹ chị lần đầu tiên sang Nhật chơi đúng vào dịp Tết dương lịch và cũng là dịp Tết của người Nhật. Nhờ bàn tay khéo léo của mình, chị đã cùng cả nhà tổ chức gói bánh chưng. Với chị, đây là một cái Tết sum vầy, hạnh phúc trọn vẹn vì có ba mẹ ở bên.
|
Một góc Tết xa quê hương... |
Theo chị Kado Kiều cảm nhận, Tết ở Nhật không náo nhiệt ở như ở Việt Nam. Khoảng tuần thứ hai của tháng 12, các công ty, hội nhóm bạn bè tổ chức liên hoan cuối năm. Ngày 27 bắt đầu nghỉ Tết, đến mùng 5 đi làm lại.
|
Món bún bò Huế "kiểu Nhật" thật ngon mắt. |
Khi đó, chồng chị sẽ làm thiệp Tết gửi đến người thân, bạn bè. Khoảng thời gian này, anh mới có thể giúp chị dọn dẹp “tổng vệ sinh” nhà cửa, đi mua sắm thức ăn chuẩn bị cho ngày Tết. Đêm giao thừa, gia đình chị Kado Kiều cùng nhau ăn món “mỳ trường thọ” Toshi-koshi soba. Đây là một món mì có tên gọi rất đặc biệt. “Toshi” trong tiếng Nhật có nghĩa là “năm”, kết hợp cùng “koshi” có nghĩa là “qua đi”.
Ngoài ra, mâm cơn Tết của gia đình chị cũng có tôm tẩm bột chiên hay các loại rau củ tẩm bột chiên và trong đó không thể thiếu bánh chưng xanh, món ăn đặc trưng của Tết Việt.
Chị Kado Kiều chia sẻ: “Ngày mùng một Tết, cả nhà đi đền thờ cầu phúc cho gia đình một năm mới được khỏe mạnh, bình an, cho bọn trẻ đi chơi. Tết đến, mình bận rộn kinh khủng, vừa cho bọn trẻ đi chơi, vừa chăm sóc con, vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa bày biện đủ thứ món ăn. Mệt, vất vả nhưng mình rất vui vì đây thực sự là một dịp quây quần cả gia đình bên nhau tiễn năm cũ qua đi và đón chào một năm mới”.