Tôi sinh ra và lớn lên tại một huyện vùng ven. Học xong cấp 3, khi các bạn cùng trang lứa hân hoan bước vào cánh cửa đại học thì tôi đã phải từ bỏ giấc mơ để ở nhà lấy chồng. Tôi đã trót có thai với anh chàng bằng tuổi gần nhà. Đám cưới đã nhanh chóng diễn ra trước khi cái bụng của tôi trở nên lùm xùm.
Làm dâu từ thủa mới 18, tôi thật chưa khi nào tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ thay đổi như vậy. Hoá ra, hôn nhân không phải đơn giản là hai người yêu nhau được sống chung dưới một mái nhà.
Chồng tôi thi trượt đại học cũng không đi học nghề mà xác định ở nhà làm ăn cùng bố mẹ. Hai vợ chồng chúng tôi từ kinh tế tới nhà cửa đều phụ thuộc vào bố mẹ chồng.
Ngày mới yêu, tôi thấy anh là người có chút gì đó công tử, rất cuốn hút. Tới lúc lấy về rồi, tôi mới biết ở nhà anh là công tử thật.
|
Hoá ra, hôn nhân không phải đơn giản là hai người yêu nhau được sống chung dưới một mái nhà. (Ảnh minh hoạ) |
Bố mẹ chồng tôi có 1 quán cơm khá đông khách. Mang tiếng đang bầu bí nhưng sáng nào tôi cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ cho quán. Tôi tự an ủi, con cái trong nhà, giờ mình lại không làm ra tiền nên giúp đỡ bố mẹ cũng là lẽ đương nhiên.
Thế nhưng trong khi vợ bầu bí dậy từ sớm để làm hàng thì chồng tôi thân trai tráng sáng nào cũng ngủ tới xế trưa mới dậy. Mỗi khi tôi định gọi anh dậy thì mẹ chồng lại một mực can ngăn với lý do: "Con để yên cho chồng ngủ. Mấy việc ở đây có mẹ con mình là được rồi. Ba cái việc bếp núc chợ búa này sao để đàn ông con trai làm được".
Vậy là cứ thế, anh sống trong nhà như một ông vua con, còn tôi như một người đầy tớ. Dù hết sức dốc lòng nhưng mẹ chồng vẫn không có thiện cảm với tôi và luôn mắng mỏ khi chẳng may tôi mắc lỗi.
Có lần trong lúc đang dọn đồ tại bàn cho khách, tôi bị choáng nên đã làm đổ bát nước mắm vào người khách. Khi tôi còn đang phải bám vào bàn để giữ thăng bằng cơ thể khỏi cơn choáng thì mẹ chồng tôi đã lao ra, gầm lên và bắt tôi phải xin lỗi vị khách đó. Người đàn ông đó không chấp nhận lời xin lỗi của tôi mà đòi phải đền trả chiếc áo trị giá 1 triệu đồng.
Cuộc sống những ngày bầu bí cuối càng trở nên ngột ngạt hơn kể từ ngày hôm đó. Bụng bầu vượt mặt, chân lại phù lên vì tích nước, những cơn choáng thi thoảng lại tới khiến tôi không thể bê vác nhanh nhẹn được như xưa.
Mẹ chồng cũng vì thế mà khó chịu ra mặt với tôi. Thậm chí bà còn nói thẳng rằng vì tôi chửa rồi nên bà mới phải đành lòng rước về, "nhà có con dâu mà cứ như rước thêm 1 bà hoàng, khẽ làm tí là hỏng".
Mẹ chồng cay nghiệt, chồng lại không ở bên quan tâm mà chỉ vô tâm, ngày ngày bên đám bạn vô công rồi nghề. Sinh xong một thời gian, không thể chịu nổi cuộc sống thêm nữa, tôi quyết định ly hôn và để con cho nhà nội nuôi để họ không gây áp lực cho tôi nữa.
Để thoát khỏi cái nhìn khắt khe của những người hàng xóm về một đứa con gái mới 20 tuổi đầu đã bỏ chồng, tôi rời khỏi nhà đi xuất khẩu lao động. Những tưởng tình yêu trong tôi đã chết khi cuộc hôn nhân trước kết thúc, nhưng không ngờ ở bên đó tôi đã quen và yêu một anh chàng làm cùng.
4 năm gắn bó bên nhau, chúng tôi đã cùng vượt qua những vất vả nơi đất khách quê người, bảo ban nhau làm ăn, dành dụm. Nhờ làm việc chăm chỉ, chúng tôi đã có 1 số vốn kha khá để trở về Việt Nam làm đám cưới và kinh doanh.
Lần đầu tiên ra mắt nhà người yêu, tôi đã choáng ngợp trước gia cảnh giàu có. Suốt mấy năm yêu nhau, chưa khi nào anh nói với tôi về điều kiện gia đình của mình. Hoá ra chỉ vì không muốn ăn bám bố mẹ mà anh đã bỏ xứ sang nơi đất người tìm kiếm công việc và gặp được tôi.
Anh ấy cũng như bố mẹ anh ấy đều là những người rất tốt. Nhưng khi mẹ anh ấy nói sẽ về quê tôi để gặp mặt bố mẹ và họ hàng rồi nói chuyện cưới xin, trong lòng tôi lại trào lên một cảm giác lo sợ.
Tôi đã định lần này về Việt Nam sẽ nói thật với anh về quá khứ của mình. Về phần anh, tôi tin là anh sẽ thông cảm và chấp nhận điều đó. Nhưng còn gia đình anh? Họ có điều kiện như vậy, vả lại chỉ có một người con trai duy nhất, liệu họ có chấp nhận một người con dâu đã từng có một đời chồng và có con riêng rồi không?