Nỗi đau đớn không có con
Yêu nhau từ khi còn học đại học, vợ chồng Nguyễn Thị Hà Thu ( sinh năm 1992,Thanh Hóa) quyết tâm đến với nhau dù khoảng cách quê hương xa nhau. Chị Hà Thu ở Thanh Hóa còn chồng ở Phú Thọ.
Chị Thu chia sẻ, chồng hơn chị 5 tuổi. Anh là một người đàn ông rất tình cảm và rất biết cách quan tâm và động viên vợ. Chính chồng là động lực giúp chị có đủ sức mạnh để vượt qua những thách thức nghiệt ngã của số phận.
Vợ chồng chị Thu cưới nhau từ cuối năm 2012. Mối tình thời sinh viên sẽ tuyệt vời hơn khi có thành quả đơm hoa kết trái là những đứa trẻ ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau 3 năm chờ đợi, chị Thu và chồng vẫn chưa có tin vui.
“Chồng tôi là con một, vì vậy bố mẹ chồng cũng mong có cháu sớm để bế bồng. Bản thân tôi cũng muốn có con sớm để hoàn thành trách nhiệm của một người con, người vợ…”, chị Thu nói.
Thời gian đầu, chị Thu đã uống rất nhiều thuốc Nam, thuốc Bắc. Bất cứ ai giới thiệu có thầy giỏi, chị đều tìm đến. Sau khi uống thuốc nhiều năm nhưng không có kết quả, hai vợ chồng chị Thu đã quyết định đi khám sức khỏe sinh sản. Kết quả chị Thu không thể có con tự nhiên, điều này làm cho chị “sốc”, không đứng vững.
Chị Thu tâm sự: “Bác sĩ thông báo tôi bị đa nang buồng trứng, tắc vòi trứng một bên, một bên vòi trứng cong nên khả năng để có con tự nhiên là rất thấp, còn chồng tôi tinh trùng hơi loãng”.
Điều này khiến cho chị Thu rất day dứt. Chị thương chồng và thương cho chính số phận của mình. Nhờ sự có sự động viên của chồng, chị Thu đã cân bằng lại tâm lý để vững bước trên hành trình tìm kiếm con.
Chị Thu đã làm IUI 5 lần, nhưng cả 5 lần đều thất bại. Chị Thu tiếp tục hy vọng bằng cách làm IVF. “Lần đầu tiên tôi chuyển phôi tươi, bác sĩ nói khả năng thành công rất cao vì niêm mạc tử cung rất đẹp. Thông thường mọi người mới kích trứng xong niêm mạc tử cung sẽ rất dày nhưng của tôi lại tốt”, chị Thu nói.
Sau lần chuyển phôi tươi thất bại, chị Thu đã quyết định chuyển phôi trữ. Trong lần chuyển phôi trữ, bác sĩ đánh giá khả năng thành công cao. Theo các bác sĩ, phôi 3 ngày của chị Thu có 8 tế bào (mức bình thường 4 tế bào), niêm mạc đẹp nhưng vẫn không thành công.
Sau 2 lần chuyển phôi thất bại, vợ chồng chị Thu quyết định dừng lại để nghỉ ngơi chuẩn bị cho lần chuyển phôi thứ 3. "Vợ chồng tôi xác định, nếu chuyển phôi lần 3 không thành công thì hai vợ chồng sẽ vào Từ Dũ”, chị Thu cho hay.
Que 2 vạch trong thùng rác
Chị Thu tâm sự chưa bao giờ nghĩ tới việc có con được một cách tự nhiên do chị mắc bệnh lý nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau khi chuyển phôi thất bại, chị Thu đã thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hơn.
“Trước đây tôi hay ăn đồ ngọt, uống cà phê, ăn những đồ ăn nóng… Sau đó, thay bằng chế độ ăn không có đường, không ăn đồ ăn chế biến sẵn. Tôi tự xay sữa đậu nành uống 1,5 lít/ngày, tôi ăn trứng hàng ngày và ăn nhiều rau xanh, hoa quả hơn", chị Thu nói.
Vào 5 giờ sáng, vợ chồng chị Thu thường cùng nhau đi bộ thư giãn tinh thần. Vào buổi chiều, chị Thu tập thêm các bộ môn thể theo khác như aerobic, ygm, đi bộ… giúp cho máu lưu thông xuống tử cung giúp tử cung ấm, dễ đậu thai hơn.
Sau 2-3 tháng thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt của hai vợ chồng, chị Thu đã có con một cách tự nhiên mà không ngờ được.
|
Chồng chị Thu luôn bên cạnh chăm sóc cho vợ và con. |
“Tôi đã làm UIU 5 lần, IVF 2 lần đều thất bại nên không nghĩ bản thân sẽ có thai bằng cách tự nhiên. Ngày hôm đó tôi thấy người mệt mỏi và thấy quá ngày kinh một ngày. Bản thân biết không có hy vọng nhưng tôi cũng mua que thử. Tôi không thấy vạch hiện lên nên vứt vào thùng rác. Một lúc sau, em tôi bảo thấy que thử thai 2 vạch trong thùng rác. Tôi không tin nên chạy đi tìm que, hai vợ chồng đưa nhau đi xét nghiệm máu, kết quả là tôi có thai. Hai vợ chồng tôi vừa ôm nhau vui mừng và khóc từ chỗ xét nghiệm cho đến khi về nhà”, chị Thu xúc động nói.
Trong thời kỳ thai nghén, chị Thu cũng gặp vô vàn khó khăn. Trong 3 tháng đầu, chị Thu phải tiêm thuốc dưỡng thai. Trong 3 tháng cuối, chị Thu bị dọa sinh non (30 tuần), tử cung mở. Thai nhi phát triển tới 34 tuần thì chị Thu bị ra máu và phải tiêm thuốc giữ. Tới tuần 36, chị Thu bị ra máu tươi và phải mổ cấp cứu. Em bé chào đời nặng 3kg, khỏe mạnh.
“Sau khi sinh, tôi bị nhiễm trùng nên phải ở lại bệnh viện điều trị gần 1 tháng. Trong suốt quãng thời gian đó, chồng tôi là người luôn ở bên cạnh chăm sóc tôi và con”.