Suy đa tạng vì ong vò vẽ đốt
Gần đây, Khoa Cấp cứu – Hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận 2 anh em bệnh nhi D.Q.T. (nam, 5 tuổi) và D.M.T.D. (nữ, 3 tuổi) trú tại Kiên Giang, được chuyển viện với chẩn đoán ong vò vẽ đốt, tổn thương đa cơ quan.
Thông tin trên VTV cho biết, khai thác bệnh sử ghi nhận, trước nhập viện 1 ngày, các bệnh nhi cùng người chị họ 8 tuổi chơi ở sân vườn sau nhà thì bất ngờ gió thổi làm tổ ong trên cây rơi xuống, ong vò vẽ bay ra đốt ở đầu, mặt, mình, tay, chân. Người nhà phát hiện đưa 2 bệnh nhi đến bệnh viện địa phương (chị họ bị đốt ít và bỏ chạy kịp nên tình trạng ổn định).
Tại đây, các bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, khó thở, tay chân lạnh. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi được điều trị cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
|
Bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam. |
Lúc vào viện, bệnh nhi D. trong tình trạng trụy tim mạch, khó thở tím tái, vàng da vàng mắt, tiểu ít, ghi nhận khoảng 55 vết ong đốt ở đầu cổ, lưng, tay, chân. Bệnh nhi được đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc và được làm một xét nghiệm cấp cứu với kết quả cho thấy tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận nặng, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng kali máu.
Bệnh nhi D. được nhanh chóng chuyển Khoa Hồi sức, được tiến hành lọc máu liên tục, sau 2 đợt lọc máu, tình trạng bệnh nhi cải thiện. Hiện bệnh nhi đã qua được cơn hiểm nghèo và được tiếp tục theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức.
Còn bệnh nhi T. bị ong đốt 28 vết, tổn thương gan nặng, chưa tổn thương thận, suy hô hấp. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch 1,5 nhu cầu và kiềm hóa nước tiểu, điều trị hỗ trợ gan, trẻ cải thiện dần, cai được máy thở tỉnh táo, tiểu khá.
Bị ong đốt hơn 100 nốt, bé trai 10 tuổi tử vong
Trước đó, vào tháng 9/2023, một bé trai 10 tuổi tử vong do bị suy đa tạng, rối loạn đông máu sau khi bị ong đốt.
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh viện đã tiếp nhận, cấp cứu bé trai B.L (10 tuổi, ở Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt, rải rác khắp cơ thể khi đang trên đường đi học.
Ngay sau khi bị ong đốt, bé L. được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng trong tình trạng tỉnh táo nhưng mệt và khó thở nhiều. Ngay sau khi xử trí ban đầu, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Bé L. được đưa vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng. Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành hỗ trợ chức năng cơ quan cho bệnh nhi.
|
Con ong được gia đình bệnh nhân chụp lại. Ảnh: Báo Công an Nhân dân. |
Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, cần duy trì thêm nhiều thuốc trợ tim, vận mạch. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi.
Mặc dù đã được điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Nam thanh niên tử vong sau khi bị ong đốt
Vào tháng 7/2023, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Nam không may bị ong đốt dẫn đến tử vong. Báo Người Lao Động đưa tin, sáng 23/7, anh L.V.P (31 tuổi, trú thôn Trung Thanh, xã Tam Mỹ Tây) cùng một số người quen đến địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để lấy tổ ong vò vẽ bán kiếm tiền. Trong lúc bắt ong, anh P. không may bị đàn ong tấn công, đốt nhiều mũi vào vùng mặt và một số bộ phận trên cơ thể.
Anh P. sau đó được đưa đến Bệnh đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng tại huyện Núi Thành) cấp cứu trong tình trạng bị sốc phản vệ và tử vong vào tối 23/7.
Chạy ECMO, lọc máu cứu trẻ 5 tuổi bị ong đốt
Năm 2022, bé trai 5 tuổi L.G.B (Bình Tân, TP HCM) bị tấn công bởi hơn 15 mũi chích từ ong vò vẽ trong vườn.
Vết ong đốt được người nhà sơ cứu giảm đau tại chỗ bằng lá môn và vôi trầu. Khi vào đến cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã 8 giờ sau tai nạn, bệnh nhi L.G.B đừ, môi tái, oxy máu thấp, tay chân mát lạnh, mạch khó bắt, huyết áp tụt nghiêm trọng, vàng da vàng mắt.
Bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, tăng nhanh liều vận mạch nhiều loại, kháng viêm mạnh toàn thân, kháng dị ứng, nhanh chóng xử trí một trường hợp phản vệ. Tuy nhiên, độc tố vẫn không được khống chế và tình trạng suy đa tạng tiến triển nhanh chóng.
|
Cấp cứu cho bé trai 5 tuổi bị ong vò vẽ chích. |
Bệnh nhi bị suy gan thận, chức năng tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rối loạn đông máu, tổn thương phổi rất nặng, thở máy và trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Bệnh nhi được chỉ định chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục.
Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi dần cải thiện, được cai ECMO sau hơn nửa tháng và rút ống nội khí quản ổn định. Sau một tháng điều trị, tình trạng suy đa tạng cải thiện tốt, tổn thương phổi dần ổn định trở lại.
Bác sĩ khuyến cáo gì?
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế sau khi bị ong đốt, đặc biệt là khi có các dấu hiệu bất thường.
Riêng với người có cơ địa như viêm da, dị ứng khi thấy nổi mẩn đỏ và có dấu hiệu khó thở sau khi bị ong chích thì nên đưa ngay đi bệnh viện. Tuyệt đối không châm kim cho máu chảy ra hay đắp các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Bác sĩ cũng lưu ý, để tránh bị ong đốt, các gia đình không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm để phòng ngừa ong đến làm tổ. Khi đi vào rừng, vào vườn, đi dã ngoại, người dân cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ hoặc các loại sữa dưỡng thể có mùi ngọt, do có thể gây thu hút các loài ong.
Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi đi ra vườn hoặc khi ở trong rừng để tránh côn trùng đốt.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Nên mua mật ong rừng vào mùa khô