Chia sẻ với Tri thức - Znews, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm, chuyên khoa về ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận trên 500 trường hợp đến khám bệnh ký sinh trùng.
|
Nhiễm ký sinh trùng là bệnh phổ biến nhưng không nguy hiểm như nhiều người lầm tưởng. Ảnh: SCIEPRO/SHUTTERSTOCK. |
Trong đó, đa số bệnh nhiễm ký sinh trùng không nặng nhưng bệnh nhân bị ám ảnh nhiều về tâm lý.
"Mọi người quan tâm bệnh lý này là cần thiết, tuy nhiên còn nhiều hiểu lầm khiến người dân hoang mang, lo sợ quá mức", bác sĩ Mẫn khuyến cáo.
Bệnh do ký sinh trùng có thể điều trị khỏi, nhưng nhiều người hoang mang, lo lắng quá mức vì nghĩ rằng mầm bệnh cứ sống dai dẳng, sinh sôi và hoành hành lâu ngày trong cơ thể.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm, chuyên khoa về ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận trên 500 trường hợp đến khám bệnh ký sinh trùng.
Trong đó, đa số bệnh nhiễm ký sinh trùng không nặng nhưng bệnh nhân bị ám ảnh nhiều về tâm lý.
"Mọi người quan tâm bệnh lý này là cần thiết, tuy nhiên còn nhiều hiểu lầm khiến người dân hoang mang, lo sợ quá mức", bác sĩ Mẫn khuyến cáo.
Dưới đây là 5 hiểu lầm phổ biến về ký sinh trùng mà đa số mọi người lầm tưởng, theo lý giải của bác sĩ Mẫn.
Nhiễm nhiều loại ký sinh trùng cùng thời điểm?
SAI.
Mỗi loại ký sinh trùng có vùng dịch tễ riêng, có đường lây riêng, nên khó có thể tập trung lại nhiễm cùng lúc trên một người. Qua quá trình hỏi bệnh và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm loại ký sinh trùng phù hợp, không cần thiết phải xét nghiệm tất cả sẽ tốn kém lãng phí.
Xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng là xét nghiệm kháng thể. Trường hợp người dân có kết quả xét nghiệm dương tính với nhiều loại ký sinh trùng một lúc, có thể do có sự rối loạn về tình trạng miễn dịch của cơ thể hoặc do chất lượng xét nghiệm của cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu.
Dương tính là đang bị bệnh ký sinh trùng?
SAI.
Mọi người muốn xác định mình có đang bị bệnh ký sinh trùng hay không, cần đi khám chuyên khoa và có chuyên gia tư vấn. Xét nghiệm dương tính không đồng nghĩa với việc người đó đang bị nhiễm. Mọi người cần cẩn thận với việc tự xét nghiệm và tự chẩn đoán bệnh.
Lý do là khi có xét nghiệm dương tính với một loại ký sinh trùng nào đó tức là cơ thể đã có kháng thể. Kết quả dương tính chỉ phản ánh trong quá khứ người đi xét nghiệm có tiếp xúc với ký sinh trùng. Muốn biết hiện tại ký sinh trùng còn sống hay còn hoạt động hay không phải kết hợp với nhiều yếu tố khác nhau.
Nhiều người lầm tưởng còn dương tính tức là còn bệnh, họ uống đủ các loại thuốc và đi chạy chữa ở nhiều nơi đến khi kết quả âm tính. Nhưng kháng thể có thể được tạo ra kéo dài đến nhiều năm, như vậy người dân sẽ mất một khoản chi phí lớn, thời gian để điều trị vô ích.
Ký sinh trùng sẽ sống mãi mãi?
SAI.
Các loại ký sinh trùng từ động vật đi vào cơ thể con người, không thích nghi được và sống yếu ớt. Các đề kháng có trong cơ thể sẽ báo hiệu có sinh vật lạ đang xâm nhập và tiêu diệt nó.
Sau một thời gian, ấu trùng tự đóng kén lại và bất hoạt, trong trường hợp ấu trùng vẫn sống thì nó cũng không thể di chuyển được đến nơi khác.
Khi người dân sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu, ký sinh trùng sẽ chết. Cho dù có bị nhiễm lại con mới đi nữa, cũng khó có thể bị bệnh nặng vì cơ thể cũng đã có kháng thể.
Bị ngứa vì có ký sinh trùng trong người?
KHÔNG CHẮC.
Đa số ngứa là do dị ứng và ký sinh trùng có thể là một trong những nguyên nhân gây dị ứng đó. Nhiều người dân thấy ngứa điều trị không hết thì nghĩ mình bị nhiễm ký sinh trùng, không đến bệnh viện thăm khám mà tự đi mua thuốc uống.
Ngứa do ký sinh trùng có thể có trong giai đoạn mới nhiễm, sau đó sẽ từ từ ổn định. Sau khi điều trị đặc hiệu ký sinh trùng, các chỉ số xét nghiệm đạt yêu cầu mà ngứa vẫn không khỏi, nên nghĩ đến ngứa do nguyên nhân khác.
Mất mạng vì nhiễm ký sinh trùng?
SAI.
Một số trường hợp bệnh rất nặng khi ký sinh trùng đang ở vị trí đặc biệt nguy hiểm như mắt, não, từ đó gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong như nhiễm giun lươn toàn phát, ấu trùng mang vi trùng đường ruột vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ rất nặng.
Tuy nhiên, không phải loại ký sinh trùng nào cũng gây bệnh nặng hay chui vào não như những lời đồn. Một số loài ký sinh trùng chỉ thích nghi ở động vật, không thể sống trong cơ thể người quá lâu, sau vài tháng sẽ chết, nó cũng không lớn lên và sinh sôi.
Tùy loại ký sinh trùng, không phải cứ để dương tính càng lâu, bệnh càng nặng. Để đảm bảo an toàn, người dân nên đến các đơn vị chuyên môn về ký sinh trùng để xét nghiệm và điều trị.
Bác sĩ Mẫn khuyến cáo mọi người không nên quá lo lắng, hoang mang khi nhiễm ký sinh trùng, nó có thể được chữa khỏi bằng cách uống thuốc. Tuy nhiên, để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, người dân nên chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, không ăn thực phẩm sống hoặc tái sống.
Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây ký sinh trùng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ, thực hiện việc kiểm dịch chặt chẽ đối với động vật.