Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, H. sốt trong 2 ngày, không ói, không ho, tiêu tiểu bình thường. Em than mệt nhiều nên được đưa đến bệnh viện.
Khi đó, bệnh nhi trong trạng thái lừ đừ, chi mát, da nổi bông tím, huyết áp tụt 70/50mmHg, nhịp tim 180 lần/phút. Xét nghiệm PCR cho thấy trẻ mắc COVID-19 với CT=14. Đáng chú ý, siêu âm tim ghi nhận tràn dịch màng tim, chức năng co bóp cơ tim kém, men tim tăng cao.
|
Bệnh nhi 12 tuổi mắc COVID-19 biến chứng vào tim. |
Ngay sau đó, em được đặt nội khí quản thở máy, an thần, vận mạch và các thuốc kháng virus, kháng viêm, kháng sinh, đặt dẫn lưu màng ngoài tim. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng, sốc không cải thiện, sức co bóp cơ tim tiếp tục giảm nên được thực hiện ECMO.
May mắn, sau 6 ngày chạy ECMO tình trạng của bệnh nhi cải thiện dần, giảm và ngưng được thuốc vận mạch, cai được ECMO, máy thở. Sau đó, em được chuyển khoa tim mạch tiếp tục điều trị. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhận định, dây là trường hợp trẻ mắc COVID-19 cấp tính nặng biến chứng viêm cơ tim màng ngoài tim.
Một bé gái khác 7 tuổi, chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP từ tỉnh Tây Ninh với chẩn đoán viêm cơ tim cấp ngày 3, block nhĩ thất. Bệnh nhi đã mắc COVID-19 hơn 2 tuần trước. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã dùng thuốc vận mạch và đặt máy tạo nhịp cho bé nhưng tình trạng tiếp tục diễn tiến nặng, sốc không cải thiện, sức co bóp cơ tim giảm, phản ứng viêm tăng cao. Bệnh nhi được chỉ định chạy ECMO. Sau 3 ngày, tình trạng huyết động có cải thiện, giảm được vận mạch, bé còn đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng. “Như vậy, viêm cơ tim có thể xảy ra khi mắc COVID-19 cấp tính cũng như giai đoạn hậu COVID-19”, ông cảnh báo.