Khi chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nhấn mạnh, gia đình đặc biệt lưu ý với đối tượng trẻ sơ sinh, bú mẹ và trẻ nhóm 6 tháng - 6 tuổi (có nguy cơ sốt cao co giật).
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ mắc COVID-19
PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ, nếu trẻ sốt, trên 38,5 độ C phải hạ nhiệt bằng Paracetamol 10 – 15 mg/ 1kg cân nặng, mỗi 4 – 6 giờ một lần, không quá 4 lần/ngày, chế phẩm đường uống hoặc đường đặt hậu môn. Đồng thời, người chăm sóc lấy khăn ấm chườm cổ, nách, bẹn khi bé sốt cao.
Phụ huynh cho trẻ uống nước thường, nước điện giải (pha đúng liều lượng). Cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm. Cách thức uống uống là 15 – 20 phút/lần, mỗi lần vài thìa.
|
PGS.TS Trần Minh Điển |
Cho trẻ bú và ăn nhẹ nhàng, chia nhỏ và nhiều hơn các cữ bú và bữa ăn. Không ép trẻ ăn nhiều một lúc, để trẻ dễ hấp thụ hơn, không uống quá nhiều nước cam, nước quả nguy cơ gây nôn, đầy bụng. Nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng.
PGS.TS Điển cũng lưu ý, phụ huynh phải đảm bảo theo dõi sát xem chơi có ngoan không, có ăn, bú đầy đủ không và có đáp ứng với thuốc hạ sốt không, giảm sốt trẻ tỉnh táo là dấu hiệu tốt. Nếu các điều kiện trên vẫn ổn, tiến triển tốt trong 24 – 48 giờ thì có thể tiếp tục chăm sóc bé tại nhà, không cần phải đưa đi bệnh viện.
Đồng thời, gia đình cần cho bé mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng, sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Các chất thải xử lý gọn, kín, tránh lan truyền ra ngoài. Trẻ cũng phải được vệ sinh thân thể sạch sẽ, vệ sinh răng miệng, mũi họng bằng nước muối sinh lý.
“Không cho trẻ uống các thuốc chống viêm, kháng sinh, kháng virus, thuốc xịt mũi nếu không có chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh phải thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và quản lý”, PGS.TS Trần Minh Điển lưu ý.
Đối với trẻ lớn, trẻ đi học mắc COVID-19
PGS.TS Điển cho biết, phụ huynh đánh giá sốt cả thời điểm ngày và đêm, cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C, theo dõi biến chuyển trong 4 tới 6 giờ liên tục bằng cách đo nhiệt độ.
Ở nhóm trẻ từ 2 đến 6 tuổi khi sốt cao có thể có nguy cơ co giật khi nhiệt độ tăng nhanh trong thời gian ngắn. Nếu trẻ có hiện tượng co giật, cha mẹ phải thực sự bình tĩnh, gọi thêm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Đặt trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng, ngửa nhẹ đầu và nghiêng đầu sang một bên; không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ để tránh gây tình trạng tụt lưỡi hoặc khó thở; không vội vàng ôm chầm lấy trẻ hay bế dựng trẻ lên.
Đồng thời, phụ huynh cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, cặp nhiệt độ, cho trẻ hạ sốt bằng thuốc đặt đường hậu môn. Lấy khăn ấm lau chườm cổ, nách, bẹn và tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ, thông thường cơn co giật do sốt cao đơn thuần chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1-2 phút. Nếu sau đó môi và tứ chi của bé ấm, hồng bình thường thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lưu ý thêm, người chăm sóc bù nước cho trẻ bằng nước bình thường hoặc nước điện giải (pha đúng liều lượng) cho đến khi nào trẻ tiểu nhiều, nước tiểu trong, môi không khô thì nghĩa là tình trạng mất nước đã giảm.
Cho trẻ ăn nhẹ nhàng, chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn cháo loãng hơn. Trẻ phải được vệ sinh thân thể sạch sẽ, vệ sinh răng miệng, mũi họng bằng nước muối sinh lý và mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng. Gia đình cũng nên sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên.
“Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Thêm vào đó, hướng dẫn bé các bài tập vận động thường xuyên, nâng cao sức khỏe. Nếu trẻ có biểu hiện nặng hơn và kéo dài, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất””, PGS.TS Điển nói.