“Sống chung với mẹ chồng“: Đâu phải tự dưng mà mẹ chồng khó!

Google News

“Sống chung với mẹ chồng” vừa được phát sóng đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi của nhiều thế hệ ở khắp mọi nơi, từ hàng nước, văn phòng đến các trang mạng xã hội.

Và điều thú vị là, phần lớn những ý kiến bảo vệ, bênh vực cô con dâu trong phim, không phải là từ những cô gái trẻ, mà chính xác là những cô gái trẻ, tiểu thư đài các quen được nuông chiều, cung phụng.
Hình ảnh người con dâu trong phim hoàn toàn không phải là hình mẫu người phụ nữ hiện đại, người ta chỉ thấy một cô con dâu vụng về, vô ý vô tứ, thiếu trách nhiệm với gia đình. Một cô dâu mới đuểnh đoảng, việc gì cũng không làm được, động vào đâu là hư chuyện tới đấy; đã thế lại còn cư xử vô duyên, thiếu tôn trọng người lớn, chỉ biết nhõng nhẽo, đòi hỏi được chăm lo, chiều chuộng từ chồng, thậm chí những gì diễn ra trong hai tập đầu khiến người xem cảm giác như cô còn kỳ vọng được bố mẹ chồng phải chăm lo, chiều chuộng cho mình. Những cô gái không biết việc, thiếu hiểu chuyện, luôn xem mình là cái rốn của vũ trụ như vậy, hẳn là lắm lúc còn làm cho bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh cô ấy phải bực mình, khó chịu, thì làm sao trách được mẹ chồng không nổi “ba máu sáu cơn” lên.
Con gái, thật ra chỉ được bố mẹ ruột xem là công chúa, ngoài ra không ai có bổn phận phải thông cảm cho những thiếu sót rất cơ bản như vậy của một đứa con gái đã lớn cả, nhất là từ người phụ nữ khắt khe hơn bình thường mang tên “mẹ chồng”. Vậy nên, trước khi mong rằng mẹ chồng bớt hà khắc, cay nghiệt với mình, người con dâu phải cởi bỏ hình ảnh cô bánh bèo “ngây thơ” không biết gì - việc nhà không biết, ý tứ phép tắc cũng không nốt.
“Song chung voi me chong“: Dau phai tu dung ma me chong kho!
 
Không ai yêu cầu con dâu phải chỉn chu trong từng hành động hay lời nói; không một cô gái nào vừa từ nhà mẹ đẻ bước sang làm dâu đã có thể đảm đang chu toàn tất cả việc nhà. Nhưng ít nhất, là một người đã trưởng thành và quyết định xây dựng gia đình thì cũng phải ý thức được bổn phận của mình, biết cư xử tế nhị, tôn trọng gia đình chồng. Thật ra, mẹ chồng cũng không đòi hỏi một người con dâu hoàn hảo, người con dâu mà họ mong muốn là người biết yêu thương gia đình, hiểu được rằng mình sẽ là người chăm lo cho gia đình này, cho những đứa con sau này để luôn cố gắng hoàn thiện những thiếu sót, chứ không phải là một cô bé hết dựa dẫm vào mẹ đẻ lại muốn “trông cậy hết” vào mẹ chồng.
Nhìn ở một góc độ khác, đúng là mẹ chồng nhiều khi cũng đã cư xử hơi quá, tạo một áp lực vô hình lẫn một nỗi mặc cảm ngàn đời - “phận làm dâu”. Nhưng ở cái tuổi đó, đã giành mấy mươi năm cuộc đời để chăm chút cho gia đình, nuôi dạy ra cả một “anh chồng”, thì có cổ hủ, kĩ tính là chuyện đương nhiên. Nên thay vì mang những trách cứ và ý nghĩ tiêu cực được mặc định sẵn về mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, cách tinh tế hơn là dùng tình yêu thương, sự chân thành của mình để đổi lấy sự cảm thông từ mẹ chồng.
Một người con dâu không thể có được cái nhìn bớt hà khắc hơn, sự cảm thông hơn từ mẹ chồng, bằng việc cố gắng diễn sâu, nhưng trong lòng luôn mang ý định chống đối, phản kháng, thậm chí là “chửi thầm” trong bụng, càng không thể hóa giải những mâu thuẫn bằng việc lôi chồng về phe mình, buộc chồng phải chọn mẹ hoặc vợ. Người con dâu sẽ chiến thắng trong cuộc chiến mẹ chồng-nàng dâu khi người chồng bênh vực vợ mình trước mặt mẹ chồng? Hay mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ hơn? Buộc chồng phải ra ở riêng là giải quyết được hết những mâu thuẫn? Thật sự, mang bản thân đặt lên bàn cân với tình mẫu tử thiêng liêng là một hành động mà thiệt thòi cầm chắc thuộc về mình.
Hẳn là cô gái nào cũng đã có câu trả lời và lựa chọn cách làm dâu sao cho đúng cho của riêng mình. Chỉ là đôi khi cuộc sống ít ràng buộc, trách nhiệm lúc còn độc thân khiến các nàng dâu mới quên mất giờ mình không còn là công chúa nhỏ ở cùng bố mẹ hay là nữ hoàng tự do tự tại giữa cuộc đời nữa rồi.
Dẫu biết cuộc chiến giữa mẹ chồng và nàng dâu là không có hồi kết, và bên nào cũng có những lý lẽ lẫn sai lầm riêng, nhưng đã là con, là dâu, thì không thể suốt ngày đọc tuyên ngôn đòi công bằng, đòi tự do được; chỉ có thể dùng tấm chân thành yêu thương gia đình chồng như gia đình mình; chăm lo cho gia đình bằng cả trách nhiệm và tình yêu, thì mới nhận được tình cảm, sự cảm thông từ mẹ chồng, và cũng chỉ có như vậy nhà chồng mới có thể là nhà, chứ không phải là “địa ngục”.
Và hơn hết bạn phải có tinh thần cầu tiến, để tâm tới những lời mẹ chồng dạy (và dặn) để sớm hòa nhập vào cuộc sống ở một “môi trường” mới, và để sớm trở thành một người phụ nữ đảm đang. Rồi không lâu nữa, bạn phải chăm lo cho gia đình nhỏ, cho những đứa của mình cơ mà? Bạn không còn là người con gái độc thân sống dựa vào bố mẹ đẻ, bạn không thể cứ mãi vụng về, vô tâm mãi được! Mỗi người hẳn đã có câu trả lời và lựa chọn của riêng mình. Chỉ là đôi khi, những ích kỉ đời thường cùng với cuộc sống ít ràng buộc trách nhiệm thời còn độc thân khiến nhiều cô gái quên mất mình đã là một “nàng dâu”, không còn là cô công chúa nhỏ trong vòng tay bố mẹ hay nữ hoàng tự do ngoài thế giới.
Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu lại cần nhiều hơn nữa sự ý tứ, tế nhị, khéo léo và cả sự nhường nhịn, thấu hiểu. Chính điều này đã là một rào cản lớn để hai con người xa lạ thuộc hai thế hệ nay sống dưới cùng một mái nhà xích lại gần nhau. Mà để xích lại gần nhau, chúng ta luôn phải lấy xuất phát điểm là từ tình cảm chân thành trước, đơn giản vậy thôi nhưng lại chẳng giản đơn chút nào.
Theo Co.R/Saostar

>> xem thêm

Bình luận(0)