Phòng áp lực âm không diệt hết được Covid-19, có thể lây nhiễm nhân viên y tế

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Y tế cũng khuyến cáo phòng áp lực âm được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh. Căn phòng đặc biệt này vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế.

Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị. Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.
Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí. Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.
Phong ap luc am khong diet het duoc Covid-19, co the lay nhiem nhan vien y te
Phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus. Ảnh minh họa: Internet. 
Hiện nay, chi phí xây dựng một phòng áp lực âm rất lớn, việc xây dựng phức tạp, tốn nhiều thời gian, quy trình vận hành để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đảo ngược chiều luồng không khí và xử lý bộ lọc an toàn tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao.
Mỗi phòng áp lực âm hiện chỉ có thể sử dụng cho một bệnh nhân. Vì vậy, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt và đào tạo để vận hành phòng áp lực âm sẽ không đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch Covid-19.
Các bệnh viện chưa có phòng áp lực âm nên tập trung thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả như bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, sử dụng thông khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên… theo đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng đã nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc về buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.
Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân di động để đảm bảo an toàn. Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%...
Phong ap luc am khong diet het duoc Covid-19, co the lay nhiem nhan vien y te-Hinh-2
Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt. Ảnh minh họa. 
Buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây. Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Mời quý vị theo dõi video: "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.

Hiện chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)