Theo SciTech Daily, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tübingen và Đại học Potsdam (Đức) đã sử dụng quang phổ được thu thập bởi Kính thiên văn Large Binocular (đặt tại Arizona - Mỹ) và Kính thiên văn LAMOST (đặt tại Tứ Xuyên, Trung Quốc) và xác định được những quái vật vũ trụ hoàn toàn khác biệt so với bất cứ gì từng được quan sát. Đó là những ngôi sao bọc trong tro cháy.
Hai sao lùn trắng va chạm - Ảnh: Nicole Reindl
Trong khi các ngôi sao bình thường có bề mặt bằng hydro và heli, những ngôi sao quái dị này có bề mặt toàn carbon và oxy, chính là một dạng tro sinh ra từ quá trình đốt cháy heli.
Vật thể còn gây khó hiểu hơn khi nhiệt độ và bán kính cho thấy chúng vẫn đang tiếp tục đốt cháy heli trong lõi. Giả thuyết chúng là những ngôi sao đang chết, đã đốt cháy xong heli trong lõi và chuẩn bị thành sao lùn trắng, đã bị loại bỏ.
Nghiên cứu được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society và cũng trên tạp chí này, một bài báo thứ 2 đã đem đến câu trả lời.
Đó là nghiên cứu từ Đại học La Plata (Argentina) và Viện Vật lý thiên văn Max Planck (Đức). "Chúng tôi tin rằng các ngôi sao được các đồng nghiệp người Đức của chúng tôi phát hiện có thể hình thành trong sự kiện hợp nhất rất hiếm gặp của sao lùn trắng" - tác giả chính Miller Bertolami giải thích.
Sao lùn trắng vốn là phần còn lại của một ngôi sao đã cạn năng lượng và sụp đổ. Có thể coi đó là xác chết sao, nhưng không hẳn đã chết, mà hoạt động như những zombie (xác sống, thây ma) trong vũ trụ, thỉnh thoảng vẫn bị phát hiện đang tương tác với các vật thể khác.
Dạng sao bọc tro mới lạ, khó gọi tên nói trên được sinh ra khi 2 sao lùn tráng không may va chạm - một sự kiện chắc chắn là thảm khốc và vật thể được sinh ra phải mang tầm vóc "quái vật".
Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng họ vẫn cần tạo ra các mô hình tinh vi hơn, tìm thêm nhiều dữ liệu để có thể xác định rõ ràng cũng như hiểu rõ cách thức những quái vật vũ trụ này ra đời và vai trò của chúng trong môi trường không gian.