Lần đầu tiếp xúc, Hoàng Thanh Thủy (39 tuổi, trú tại Hà Nội), điều dưỡng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), gây ấn tượng bởi vẻ ngoài rạng rỡ. Dù vậy, gương mặt cô vẫn phảng phất nét buồn.
Kết hôn năm 2004, cô cùng chồng có một người con gái học lớp 10. Dù sức khỏe của chồng không tốt khi anh phải chạy thận thường xuyên, nữ điều dưỡng vẫn luôn nỗ lực và sống hạnh phúc cùng gia đình cho tới ngày sóng gió ập đến.
Hai căn bệnh ung thư với tiên lượng xấu
Tháng 6/2018, Thủy đi làm đồng thời theo học chuyên ngành điều dưỡng tại Cao đẳng Y tế Hà Nội. Trước đó, cô không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
"Tôi có nhiều dự định sau khi tốt nghiệp, tự hứa sẽ chăm sóc bản thân và gia đình nhiều hơn cùng vị trí mới trong công việc", Thủy chia sẻ.
Chị Hoàng Thanh Thủy xúc động khi chia sẻ về khoảng thời gian phát hiện bệnh. Ảnh: Quốc Toàn.
Tuy nhiên, vào một ngày trực cuối tuần, nữ điều dưỡng bỗng cảm thấy mệt và sốt. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi Thủy xuất hiện khối u có kích thước khoảng 3-4 cm. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Thủy bị ung thư phổi giai đoạn 3, có di căn hạch, tình trạng nguy hiểm.
"Lúc mới biết tin, tôi gần như suy sụp, cảm giác buồn và không ngủ được. Tôi thắc mắc tại sao mình lại mắc bệnh nặng đến vậy khi sức khỏe vẫn tốt", Thủy kể.
Sau khi cân nhắc, Thủy quyết tâm phẫu thuật. Tuy nhiên, mọi chuyện với nữ điều dưỡng chưa bao giờ dễ dàng. Ca phẫu thuật không thành công. Các bác sĩ không thể cắt được khối u, Thủy buộc phải điều trị truyền hóa chất tại Bệnh viện K (Hà Nội).
Thủy cho hay: "Tôi bắt đầu đi làm trở lại kết hợp điều trị vào cuối năm 2018 do không có biểu hiện đặc biệt. Sau thời gian đầu suy sụp, tôi vực lại tinh thần vì nghĩ rằng bản thân phải lo cho chồng, con. Tôi tự nhủ nhiều bệnh nhân cố gắng được, mình còn làm trong ngành y, tại sao tôi thì không".
Thủy điều trị và đi làm song song để có thêm thu nhập. Ảnh: Quốc Toàn.
Tuần đầu tiên điều trị hóa chất, Thủy cảm giác đắng miệng, khó nuốt nhưng vẫn cố gắng ăn và dần ổn định sức khỏe. Kết hợp tập luyện và tĩnh tâm, nữ điều dưỡng dần bình tĩnh lại.
Sau 6 đợt điều trị bằng hóa chất, tháng 4/2019, Thủy tiếp tục được phát hiện căn bệnh ung thư phổi đã di căn lên não. Khối u có kích thước 2,7 cm tại tiểu não bên trái.
Lúc này, Thủy thường xuyên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đi lại phải có người đỡ. Để giải quyết, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sử dụng phương pháp xạ phẫu bằng dao gamma quay. Đây là phương pháp cắt khối u khỏi các mạch máu, khiến chúng không được nuôi dưỡng và chết dần.
"Sau 2 tháng, tôi đi chụp lại và được các bác sĩ chẩn đoán là đáp ứng tốt khi khối u đã tiêu dần. Tôi nghĩ mình đã may mắn hơn nhiều người", Thủy lạc quan.
Chưa kết thúc, căn bệnh ung thư quái ác tiếp tục di căn tới gan và tụy. Thủy phải tiếp tục điều trị hóa chất với sự hỗ trợ một phần từ bảo hiểm. Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, Thủy tiếp tục đứng trước thách thức khi bệnh viện buộc phải dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Trải qua nhiều khó khăn nhưng nữ điều dương vẫn luôn cố gắng và suy nghĩ lạc quan vì gia đình. Ảnh: Quốc Toàn.
Bác sĩ phụ trách lúc này buộc phải kê cho Thủy loại thuốc điều trị ung thư dạ dày nhưng đã được Nhật áp dụng với ung thư phổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chi phí này chưa được bảo hiểm hỗ trợ.
Nữ điều dưỡng cho biết loại thuốc này có giá 18 triệu đồng cho 4 tuần. May mắn, sau khi sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe của Thủy khá lên dần.
Mới đây, nữ điều dưỡng tiếp tục được phát hiện di căn xương. Cùng lúc đó, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc thêm căn bệnh ung thư buồng trứng chưa rõ nguyên nhân.
Hiện tại, Thủy bắt đầu có dấu hiệu rụng tóc, phải đội tóc giả. Nữ điều dưỡng được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tạo điều kiện để tiếp tục làm việc và điều trị nội trú ban ngày tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cố gắng vì gia đình
Chồng của Thủy bị suy thận từ năm 2001. Nhờ duyên số, 2 người gặp gỡ và kết hôn năm 2004. Thời gian đầu, Thủy giấu gia đình bệnh tình của chồng để 2 người được bên nhau. Năm 2007, người chồng buộc phải chạy thận với tần suất 3 lần/tuần. Lúc này, 2 người cũng đã có một người con gái.
Năm 2014, Thủy cùng gia đình quyết định bán nhà để cho chồng ghép thận. Tuy nhiên, khi uống thuốc chống thải ghép sau ca mổ, anh có biểu hiện tác dụng phụ, kết hợp hệ miễn dịch kém, nhồi máu não và liệt nhẹ.
Do hoàn cảnh khó khăn, ban đầu, Thủy giấu tình trạng bệnh của mình với con gái, tránh để con bị xáo trộn tâm lý. Tuy nhiên, cô buộc phải chia sẻ với con khi bệnh diễn biến xấu. Từ một người học tốt, con gái Thủy bắt đầu bị cô giáo phê bình và nhiều lần có điểm kém.
Gia đình là động lực sống và nỗ lực của chị Thủy ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Quốc Toàn.
"Nếu không cố gắng đỗ vào trường công lập, mẹ không đủ tiền cho con học dân lập đâu. Sức khỏe của mẹ đang như vậy, con phải cố gắng hơn mẹ nữa. Nếu mẹ mất, con hãy cứ coi như mẹ đi trực không về", Thủy dặn con gái.
Nghe lời mẹ, cô bé thi đỗ vào một trường trung học phổ thông công lập tại quận Đống Đa (Hà Nội). Ngày thi xong, cháu chạy ra ôm lấy mẹ khóc và khoe mình làm được bài và chắc chắn sẽ đỗ.
"Ngày hôm đó, tôi cảm thấy hạnh phúc khi thấy được sự cố gắng của con dành cho mình", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Thủy cho biết khi bị bệnh, điều đầu tiên cô nghĩ đến là con gái và gia đình. Đây là những điều quý giá nhất của cuộc đời cô. Lúc này, cô cũng bắt đầu cảm thấy quý trọng sức khỏe của mình hơn.
Nữ điều dưỡng vừa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Hà Nội năm 2019. Cô cho hay mình từng thường xuyên đi làm, học từ 6h đến 21h hàng ngày mà không để ý tới bản thân. Nữ điều dưỡng cũng chia sẻ bản thân có nhiều dự định sau khi tốt nghiệp nhưng phải tạm gác lại hết do tình hình bệnh.
"Vì đã không làm được trọn vẹn nghĩa vụ của người vợ, tôi chỉ nuối tiếc khi chưa mang đến cho con cuộc sống đầy đủ như người khác", Thủy nói.
Bởi vậy, điều mong mỏi nhất của người phụ nữ này là được sống khỏe hơn, có thể tiếp tục lao động, làm việc trong ngành y - lĩnh vực Thủy yêu quý. Nếu có chuyện không may xảy ra, nữ điều dưỡng mong ước chồng và con gái đều khỏe mạnh, sống tốt.