Với những người nằm viện hoặc chăm người nhà nằm viện, bị lừa tiền là chất thêm gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí có thể bị đẩy vào tình trạng bi đát, cùng đường. Bệnh viện càng lớn, bệnh nhân nặng đổ về càng nhiều thì càng có nhiều kẻ gian trà trộn kiếm ăn.
Cho dù ngày thường, bạn không phải người ngốc nghếch thì khi vào viện, nỗi khổ bệnh tật và sự lo lắng, hoang mang chi phối khiến mức độ tỉnh táo, cảnh giác của bạn không được như ngày thường. Đó là lý do bọn lừa đảo vẫn có đất sống. Dưới đây là những chiêu
lừa đảo ở bệnh viện khá phổ biến mà bạn nên cảnh giác.
Giả là người nhà bệnh nhân lừa bán thuốc
Những kẻ này thường lân la cạnh những người chăm bệnh, đóng vai người nhà bệnh nhân. Xuất hiện nhiều nhất ở những khoa điều trị bệnh nan y, ung thư, bệnh khó chữa, chúng làm quen với "con mồi", giả trò chuyện về tình trạng bệnh của người nhà mình, sau đó tìm hiểu bệnh tình của "đối tượng".
Đánh vào tâm lý lo lắng của những người có thân nhân mắc bệnh nan y chỉ mong tìm thấy gặp thuốc, chúng gạ họ mua các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ, thuốc lá đã được thổi phồng công dụng là quý hiếm, chữa bách bệnh. Nhẹ dạ, cả tin, tinh thần mệt mỏi lo lắng nên nhiều người mắc lừa, mua phải thuốc giả với giá trên trời
Giả nhân viên bệnh viện lừa tiền
Nhiều kẻ lừa đảo ở bệnh viện mặc đồ có màu sắc, kiểu dáng gần giống với trang phục của nhân viên bệnh viện, ra vào phòng bệnh để gây sự nhầm tưởng. Nhữngngười ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện giao tiếp rất dễ bị mắc lừa.
Nắm thời cơ, kẻ gian sẽ đến gạ gẫm, tự giới thiệu mình có thể tiếp xúc với những bác sỹ giỏi, nhờ ưu tiên điều trị sớm, với điều kiện phải chi trước một khoản tiền. Như chết đuối gặp cọc, người bệnh hoặc người nhà rất dễ tin, thường giao tiền bồi dưỡng bác sĩ cho chúng. Hoặc, chúng nhân cơ hội để bán thuốc giả.
|
Tình trạng lừa đảo trộm cắp ở bệnh viện khiến người bệnh và lãnh đạo các bệnh viện đau đầu. |
Giả người đi thăm bệnh để ăn cắp
Ở nhiều bệnh việc, kẻ trộm thường giả là người đi thăm bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Với gói quà trong tay, chúng đi hết từ phòng này sang phòng khác để "tìm người nhà", thực ra là để dò la, quan sát. Nếu bệnh nhân hay người nhà của họ sơ hở là chúng nhanh tay trộm cắp đồ đạc, tài sản của họ.
Lừa dắt người bệnh sang phòng khám tư
Hầu hết người bệnh, nhất là những người ở xa đi khám chữa bệnh đều muốn nhanh. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều tên cò mồi tụ tập ở những khu vực đông bệnh nhân, giả làm người đi khám bệnh để lừa đảo.
Cò mồi thường lân la trò chuyện, tung tin hết số khám rồi dẫn dắt, lôi kéo khách đi khám ở địa chỉ tư nhân gần đó mà chúng quảng cáo là bác sĩ bệnh viện để "làm tiền" bệnh nhân.
Khi gặp tình trạng này người bệnh ngoài việc mất tiền oan còn phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nguy hiểm như: thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng, thuốc lậu...