Ngộ độc thực phẩm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: do vi khuẩn và độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, do nhiễm hoá chất trừ sâu, diệt muỗi, côn trùng, diệt nấm, cỏ tồn đọng trong thức ăn, rau quả, nguy hiểm nhất là hoá chất diệt chuột gây co giật. Ngoài ra có một số trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra do thức ăn có độc như: nấm độc, cá nóc, măng tươi, vỏ sắn...
"Chúng ta có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella với triệu chứng tiêu chảy, nôn, sốt; nhiễm E.coli, nhiễm Listeria gây miễn dịch yếu. Chúng ta có thể nhiễm độc tố Botulinum từ vi khuẩn; ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng là một độc tố rất bền với nhiệt....", PGS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, trường Đại học Y Hà Nội thông tin.
Ngộ độc do tác nhân hóa học bao gồm hóa chất bảo vệ thực vật như: thuốc kích thích tăng trường, thuốc trừ sâu, phẩm màu, phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép. Chúng ta cũng có thể nhiễm độc tố nấm mốc như độc tố vi nấm Aflatoxin, ngoài ra các loại kim loại nặng như chì, thủy ngân.
Các biểu hiện ngộ độc cấp tính có thể diễn ra trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi chúng ta ăn như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu. Nếu bị dị ứng thực phẩm, có thể bị phát ban trên da. "Ngộ độc mạn tính lâu ngày thường không biểu hiện ngay với các triệu chứng như trên nhưng có thể đau bụng âm ỉ, tiêu chảy kéo dài, sụt cân, đặc biệt việc tích lũy các chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phẩm màu, phụ gia không trong danh mục cho phép....sẽ lắng đọng ở gan, thận, hệ thần kinh, gây suy tạng" - PGS Dũng nói.
Nhóm người nhạy cảm, dễ bị ngộ độc thực phẩm là phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch yếu. Lý giải điều này, PGS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, trường Đại học Y Hà Nội cho biết: do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó người cao tuổi, hệ miễn dịch suy giảm không còn nhạy bén để nhận diện, và trừ khử các vi khuẩn có hại và các mầm bệnh khác nên dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, những bệnh nhân cấy ghép gan, bệnh ung thư, tiểu đường...hệ miễn dịch bị suy yếu do diễn biến của bệnh hoặc tác dụng phụ do điều trị nên cũng rất "nhạy cảm" với các độc tố có trong thực phẩm.
Phụ nữ có thai do trong thời gian mang thai, hệ miễn dịch của thai phụ có nhiều thay đổi, nên dễ bị rủi ro ngộ độc thực phẩm. Do đó, ngộ độc thực phẩm trong thời gian có thai dễ ảnh hưởng đến thai nhi.
Nếu có bất kỳ dầu hiệu của ngộ độc thực phẩm như nôn, tiêu chảy nặng, sốt cao, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế. Trường hợp nhẹ hơn cần giữ cân bằng nước bằng cách uống đủ nước để cân bằng điện giải do các vấn đề nôn, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm gây ra, không tự ý dùng thuốc nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ - PGS Dũng nhấn mạnh
PGS Nguyễn Quang Dũng khuyến cáo những người dễ bị ngộ độc thực phẩm nên tránh những loại thực phẩm như: các loại thịt cá sống, hoặc nấu chưa kỹ, hải sản nấu chưa kỹ, hải sản xông khói làm lạnh thì không nên ăn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh các loại nghêu sò ốc sống hoặc tái.
Sữa chưa thanh trùng hoặc các sản phẩm làm từ loại sữa này cũng nên hạn chế. Những loại trứng sống, tái hoặc các thực phẩm làm từ trứng để sống hoặc tái cũng không nên sử dụng.
Các loại pate, thịt nghiền chưa qua thanh trùng hoặc xúc xích lên men nhóm người dễ bị ngộ độc cũng không nên sử dụng. Đối với những loại rau, củ, quả khi ăn sống phải đảm bảo được rửa nước sạch, nên gọt vỏ trước khi ăn. Ngoài ra, cần thực hiện ăn chín uống sôi. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.