Không chỉ ngắm nhìn cảnh quan tự nhiên tuyệt vời, du khách chắc chắn sẽ bị thu hút với những món ăn đặc sản của vùng đất miền Tây sông nước này.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Bánh xèo Cao Lãnh đổ bằng chảo lớn, một người ăn khoảng 2 đến 3 cái có thể no đến "cứng bụng"
Nước chấm đi kèm cũng được pha chế rất khéo từ nước mắm và gia vị, có vị chua the của chanh và phảng phất vị cay nhẹ của ớt thêm ít cà rốt, củ cải trắng cắt sợi đem đến hương vị rất quen mà lạ. (Ảnh: MiA)
Bánh xèo Cao Lãnh được biết đến với hương vị thơm ngon, vỏ bánh mỏng và giòn, được nhuộm một lớp nghệ vàng hấp dẫn.
Nguyên liệu để làm bánh xèo gồm bột gạo, dừa nạo, tôm sú, thịt ba rọi, hành tây, giá, nấm rơm và một số gia vị cần thiết như dầu ăn, muối, bột ngọt, đường… Để bánh vừa giòn vừa dai, vừa thơm vị dừa mà cũng không quá béo ngậy thì bột bánh phải làm từ thứ gạo ngon thêm ít đậu xanh xay nhuyễn trộn với nước cốt dừa... Gạo được chọn làm bánh là loại gạo mới, có mùi thơm, khô và không quá dẻo.
Nhân bánh xèo thường được làm từ tôm sú hoặc tôm đất, thịt heo chọn phần thăn. Ngoài hai nguyên liệu trên, phần nhân bánh xèo Cao Lãnh còn có củ sắn (hay còn gọi là củ đậu), giá, đậu xanh, nấm rơm và hành tây.
Thưởng thức bánh xèo Cao Lãnh, món ngon đặc sản Đồng Tháp không thể thiếu nước chấm chua ngọt. Nước chấm cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng vị ngon, đặc trưng cho bánh xèo Cao Lãnh. Tùy theo khẩu vị của từng người mà có cách pha chế riêng.
Điểm chung nhất của nước chấm làm ra phải có vị chua the của chanh và phảng phất vị cay nhẹ của ớt thêm ít củ cải trắng, cà rốt cắt xợi, đem đến hương vị vừa quen vừa lạ. Bên cạnh nước chấm, điều khiến món bánh xèo Cao Lãnh trở nên hấp dẫn chính là rau. Rau ở đây khá tươi ngon, có cả các loại rau vườn đặc trưng ăn bánh xèo như xà lách, rau quế, húng cây, diếp cá, đọt bằng lăng, lá cát lồi, lá lốt…
Bánh xèo Cao Lãnh ăn nóng là ngon nhất. Xé miếng bánh xèo vàng ruộm, thêm nhân bánh, rau, cuốn thành cuốn. Cuộn miếng bánh xèo từ từ cho vào miệng, bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau toàn bộ đánh thức vị giác trong mỗi thực khách.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Bánh tằm bì hương vị đặc trưng miền Tây
Hương vị của bánh tằm bì rất đặc biệt, thơm và béo, vừa mặn vừa ngọt. (Ảnh: MiA)
Không chỉ tại Đồng Tháp, mà món bánh tằm bì vùng này còn nổi danh khắp cả nước và được nhiều người tìm kiếm. Từ những sợi bánh đều được chọn lọc gạo hảo hạng và xay nhuyễn để mang đến những sợi bánh dai, thơm. Kết hợp cùng bì thơm, thêm chả, nem, rắc một chút đậu phộng, thêm một chút nước cốt dừa mang hương vị thơm ngọt, béo béo cuốn hút.
Ăn bánh tằm bì không thể thiếu nước cốt dừa. Nước cốt dừa cho vào nồi thắng cho cạn dần, thêm chút muối và hơi nhỉnh vị đường cùng chút bột để tạo độ sánh. Nước cốt dừa hơi ngọt, ẩn bên dưới là vị mặn, lại được thêm một ít hành lá cắt nhuyễn thơm lừng thì mới đúng e để ăn bánh tằm. Bánh tằm có nơi ăn bằng tô như bún thịt nướng.
Nhưng ăn bánh tằm phải bằng đĩa hơi sâu lòng mới thú vị vì đĩa rộng nên người ăn ngắm nghía đủ thứ dưa leo, xà lách, giá, rau thơm lót dưới cùng, đám bánh tằm trắng phau trên nền rau xanh. Một lớp bì vàng, nhúm đậu phộng rang, mấy sợi đồ chua như điểm duyên cho bánh. Còn lòng dĩa sâu để nước cốt dừa và nước mắm dễ tụ lại, vừa ăn vừa húp miếng nước mới khoái.
Chan miếng nước cốt dừa lên bánh, mùi vị, hương sắc của rau, bì hòa quyện cùng nước cốt dừa thẩm thấu vào từng cọng bánh. Cuối cùng là hỗn hợp mặn ngọt chua cay của nước mắm, chính cái vị nước mắm đã đưa đẩy món bánh tằm bì trở nên đậm đà, thuần túy hương vị dân dã phương Nam không lẫn vào đâu được.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Món vịt nướng hấp dẫn bởi miếng vịt được tẩm ướp vừa miệng, vàng màu cánh gián, dậy mùi thơm của gừng, sả
Trong ẩm thực của người dân Đồng Tháp thì đặc sản vịt nướng là món không thể nào thiếu được. (Ảnh: MiA)
Vịt nướng là món ăn ngon, thường có mặt trong các bữa tiệc, họp mặt gia đình, bạn bè… Món ăn này hẳn sẽ không còn xa lạ đối với du khách gần xa, bởi nơi đâu cũng có thể dễ dàng tìm được quán vịt nướng thơm ngon để thưởng thức. Điểm độc đáo để làm nên thương hiệu vịt nướng Sa Đéc, Cao Lãnh là nhờ vào cách chế biến độc đáo của những người đầu bếp địa phương.
Du lịch về thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh, du khách có dịp thưởng thức món vịt nướng cuốn hút với da vịt căng, có màu vàng cánh gián, dưới lớp da giòn không có mỡ, được tẩm ướp gia vị ngấm sâu trong mỗi thớ thịt. Nước chấm được pha rất vừa miệng với vị chua, cay, mặn.
Sẽ thật tuyệt vời nếu du khách ghé thăm Đồng Tháp vào mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 11 (thời điểm này có thể thay đổi hàng năm) để thưởng thức đặc sản vịt nướng Sa Đéc, Cao Lãnh. Du khách có thể nhâm nhi vị béo ngậy, giòn tan trong miệng của những miếng thịt vịt hấp dẫn cùng với nước chấm tương xốt đặc biệt và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hữu tình vùng sông nước miền Tây vào mùa nước nổi.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Món tắc kè xào lăn không chỉ thơm ngon lạ lùng, khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, thơm ngọt không thể quên
Bên cạnh các món ngon dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp mùa nước nổi, tắc kè xào lăn là một món ăn không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn rất bổ dưỡng, đặc biệt là với nam giới. (Ảnh: Việt Giải Trí)
Vùng Đồng Tháp Mười vốn bao la mà lại còn là địa danh với nhiều tắc kè, rắn mối sinh sống. Có thể nói ở vùng này thì những món ăn lạ lẫm như chuột, rắn… đều được chế biến thành các món ăn hấp dẫn du khách. Đặc biệt, nói đến đăc sản Đồng Tháp không thể quên tắc kè xào lăn – một món ăn phổ biến của người dân nơi đây, món ăn mà các du khách đều muốn một lần được nếm thử.
Trước khi chế biến, đầu bếp chặt bỏ đầu tắc kè, nhúng sơ vào nước sôi để dễ cạo sạch lớp vảy. Sau đó chặt thành từng miếng nhỏ, ướp với đại hồi và tiểu hồi rồi xào cho săn lại. Cuối cùng cho một ít nước cốt dừa vào, để lửa liu riu để gia vị, nước cốt ngấm đều vào thịt.
Khi thấy nước dừa sắc lại, bạn múc thịt ra đĩa và rắc đậu phộng rang xay lên. Thịt tắc kè thơm ngon lạ lùng, phần đuôi thì béo ngậy với mỡ và xương sụn, có tác dụng rất tốt giúp bồi bổ cho lục phủ, ngũ tạng. Đặc biệt, nếu có thêm rượu đế nhâm nhi thì không còn gì tuyệt bằng.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Bông súng mắm kho - Món ăn dân dã hội đủ tinh túy của hương đồng gió nội nơi đây
Bông súng vốn không có vị, khi ăn kèm với mắm kho lại càng thơm và ngon khiến bạn ăn hoài, ăn mãi cũng không thấy ngán. (Ảnh: FB XuLi)
Bông súng mắm kho là món ăn dân dã và rất phổ biến trong đời sống của người dân Đồng Tháp. Ấn tượng để lại với thực khách khi thưởng thức mắm kho bông súng là cái giòn sần sật của bông súng, hương vị đậm đà của mắm với thịt ba rọi béo ngậy cùng vị ngọt của tép đồng quyện trong mùi thơm đặc trưng của sả ớt.
Dẫu là loài hoa "sớm nở tối tàn" nhưng ngay từ khi chớm nở, bông súng đã hướng về phía mặt trời nên cọng (thân) bông súng có tính ấm và ôn, tốt cho sức khỏe. Củ bông súng ăn vừa bùi vừa béo, còn thân, lá, bông đương nhiên chẳng kén miệng ăn. Để có món mắm kho bông súng ngon "đúng điệu", người Đồng Tháp cũng sở hữu cho mình những bí quyết riêng. Không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, mà phải lựa đúng bông súng trắng chắc khỏe, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, khi ăn mới mềm và có hậu vị ngọt. Bông súng nhổ về để nguyên cọng, rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng dài chừng gang tay, để trong rổ cho ráo nước.
Để nấu mắm kho, người Đồng Tháp thường dùng chung 2 loại là mắm cá sặc và mắm cá linh. Mắm cá sặc đồng được ủ cùng thính gạo rang giã nhuyễn trong những khạp sành, phía trên gài bằng cành ổi tươi có lót mo cau cho kín mắm. Mắm ngon là khi dỡ ra con mắm có màu đỏ sẫm, thơm lừng cả góc nhà. Vị đậm đà của mắm cá sặc giúp món mắm kho bông súng càng thêm tuyệt hảo, đồng thời màu đỏ sẫm của mắm cũng làm tăng độ hấp dẫn cho món đặc sản dân dã này.
Nồi mắm kho được dọn lên ăn với cơm hay bún đều ngon. Món này nhất định phải ăn khi còn nóng thì mới cảm nhận hết được hương thơm ngào ngạt dậy lên mùi đặc trưng của mắm. Mẹt rau ghém ăn kèm đủ đầy hương sắc tươi ngon khiến thực khách mới nhìn đã thấy "no mắt".
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Say mê hương vị gỏi ngó sen dân dã, thơm ngon
Gỏi ngó sen với độ giòn "sần sật" của ngó sen và nhiều thành phần ăn kèm khác. (Ảnh: ivivu)
Là xứ sở của hoa Sen những món ăn từ Sen luôn được yêu thích tại Đồng Tháp. Trong đó, gỏi ngó sen mang hương vị thanh đạm, nhưng không kém phần thu hút sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua khi đến đây.
Người Đồng Tháp quả thực khéo léo khi có thể làm nên những món ăn ngon từ phần ngọn cho đến phần rễ của cây sen. Theo đó, phần ngó sen nằm sâu dưới đáy bùn đất cũng có thể làm ra món gỏi đặc biệt hấp dẫn, lạ miệng lại có tác dụng chống ngán hiệu quả.
Theo đó, ngó sen phải được ngâm rửa kỹ lưỡng, làm sạch bùn đất, rồi đem cắt khúc 4 - 5cm. Phần ngó sen này sau đó sẽ được trộn với giấm, đường, nước mắm, ớt. Tiếp đó, người ta trộn đều ngó sen với thịt gà luộc xé nhỏ hoặc tôm đất hấp cùng chút rau thơm cắt nhỏ, lạc rang… rồi bày ra đĩa và cùng thưởng thức. Sức hấp dẫn của món gỏi ngó sen Đồng Tháp đến từ những nguyên liệu tự nhiên có sẵn, tươi ngon tạo nên độ ngọt thanh tự nhiên khiến người thưởng thức bị cuốn vào thực sự.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Nem Lai Vung thỏa mãn thực khách ở cả thị giác, khứu giác và vị giác
Từng ấy thứ hương vị trộn lẫn với nhau trong chiếc nem chua nhỏ nhắn, khiến cho bất kỳ ai đã từng thưởng thức món đặc sản này đều không thể nào quên được. (Ảnh: ivivu)
Điều khiến cho món nem Lai Vung trở nên thu hút thực khách chính là vị ngon và thơm đến từ món nem. Khi ăn nem bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm. Vị nem chua chua, ngọt ngọt, thanh thanh hòa quyện với vị cay cay mặn mặn của ớt, dai dai của thịt, giòn giòn sần sật của bì.
Mùi thơm đặc biệt chỉ có ở nem chua Lai Vung nhờ vào lá gói và cả ớt xanh, tỏi. Lớp thịt nem màu đỏ hồng tươi tắn điểm xuyết với màu xanh của ớt và lá vông, cực kỳ thích hợp cho những bữa tiệc cưới hỏi, tân gia, hoặc những bữa ăn trong gia đình. Màu sắc bắt mắt chính là điều khiến cho nem Lai Vung được ưa chuộng dành cho những bữa ăn và làm món quà dành tặng cho bạn bè.
Chiếc nem nhỏ nhắn được gói cẩn thận trong lớp lá chuối xanh đượm, bóc tách từng lớp, mùi thơm dịu thoang thoảng và bùng nổ hương vị khi nếm thử, tạo nên sức hút lạ kỳ cho những ai lần đầu trải nghiệm.
Nem Lai Vung có thể được thưởng thức từng chiếc hay kết hợp ăn chung với bún, bánh cuốn, tré trộn hoặc cơm đều được. Một món ngon nhất khi kết hợp với nem mà người ta hay truyền tai nhau chính là ăn nem kết hợp với bánh mì. Ngoài ra, có thể nướng trên than hồng rồi thưởng thức cùng tương ớt.
Món ăn đặc sản ở Đồng Tháp: Ốc treo giàn bếp là món ăn đòi hỏi du khách phải thưởng thức một cách từ từ để có thể cảm nhận từng chút một hương vị của nó
Món đặc sản ốc treo giàn bếp này không chỉ là món ăn mà người dân tại đây đều rất yêu thích mà còn trở thành một trong những điểm nhấn ẩm thực hấp dẫn du khách. (Ảnh: Việt Fun Travel)
Ốc treo giàn bếp là món ăn ở Đồng Tháp có tên gọi lạ tai và gây tò mò cho nhiều thực khách. Loại ốc mà người dân Đồng Tháp sử dụng là ốc lác. Ốc Lác là loại ốc có vỏ màu vàng, hình thù tương đối giống ống bươu vàng. Tuy nhiên điểm khác biệt làm nên hương vị của ốc lác là ở thịt ốc ngọt và giòn chứ không bị mềm như ốc bươu.
Chọn ốc lác chế biến ốc treo giàn bếp phải chọn những con ốc thật to. Ốc được bắt về, rửa sạch sẽ hết lớp bùn đất bám trên mình và được cho vào một cái giỏ đan bằng tre. Sau đó người dân sẽ treo chiếc giỏ đựng ốc ấy lên giàn bếp của nhà mình. Ốc lác rất đặc biệt, chúng có thể sống tới tận 4-5 tháng khi ở trong giỏ như vậy. Mỗi ngày khi người dân nấu cơm, khói từ bếp phía bên dưới sẽ bay lên và hun chiếc giỏ đựng ốc cho đến khi ốc ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu và có thể đem chế biến thành các món ăn khác.
Những con ốc đã chín sẽ tróc mày, mình ốc có một màu trắng giống như màu của hoa bưởi, mề của ốc thì có màu vàng. Món ốc này ăn chung với nước mắm sả ớt thêm chút chanh thì không gì ngon bằng. Với món ốc lác treo giàn bếp, bạn phải thưởng thức từ từ để nhâm nhi thịt vị mềm, béo ngậy của ốc, vị cay của ớt, vị thơm nồng của sả. Tất cả hòa quyện vào nhau thành hương vị hấp dẫn không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.