Đậu bắp là thực phẩm không chỉ là món ăn ngon mà còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe. Đa số mọi người thường chế biến đậu bắp bằng cách luộc, hấp, nướng hay nấu canh, ít người chọn cách ăn sống hoặc ép đậu bắp lấy nước uống, nhưng đây là cách đậu bắp sẽ phát huy tối đa công dụng của nó.
6 công dụng của đậu bắp với sức khỏe và làm đẹp
Tốt cho đường tiêu hóa
Đậu bắp giàu chất xơ, hàm lượng chất xơ trong đậu bắp có thể giúp ngăn ngừa táo bón tạo cảm giác no lâu hơn, có khả năng góp phần giảm cân. Chất xơ không hòa tan đi qua hệ tiêu hóa một cách nguyên vẹn, bổ sung lượng lớn vào phân và hỗ trợ quá trình tiêu hóa kịp thời và khỏe mạnh.
Giúp hạ đường huyết
Chất nhầy do đậu bắp tiết ra rất tốt, nó chứa pectin và mucin hòa tan trong nước, có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, giảm nhu cầu insulin của cơ thể, ức chế sự hấp thụ cholesterol và cải thiện lipid máu.
Các carotenoid phong phú trong đậu bắp cũng có thể giúp duy trì sự bài tiết và chức năng bình thường của insulin, cân bằng lượng đường trong máu. Vì vậy, những người thích ăn đường hay mắc bệnh tiểu đường nên ăn đậu bắp thường xuyên hơn.
Bảo vệ dạ dày
Đậu bắp có chứa pectin, galactan,… có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, điều trị viêm dạ dày và loét dạ dày, bảo vệ đường ruột và dạ dày. Ngoài ra chất mucin do nó tiết ra còn có tác dụng bảo vệ thành dạ dày, thúc đẩy tiết dịch vị, tăng cảm giác thèm ăn. Do đó, đậu bắp được biết đến như một trong những loại rau chăm sóc sức khỏe tốt nhất và rất có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa.
Bổ sung canxi
Đậu bắp không chỉ chứa hàm lượng canxi tương đương với sữa tươi mà còn tồn tại dưới dạng chất hữu cơ, có tỷ lệ hấp thu cao hơn sữa nên là nguồn cung cấp canxi lý tưởng.
Làm đẹp da
Đậu bắp giàu vitamin C và chất xơ hòa tan, không chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe làn da mà còn làm trắng da, mịn màng. Đậu bắp cũng giàu caroten có thể bảo vệ da, giảm tác hại của các gốc tự do.
Tốt cho tim mạch
Mức cholesterol cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Đậu bắp có chứa một chất dạng gel đặc gọi là chất nhầy, có thể liên kết với cholesterol trong quá trình tiêu hóa, khiến nó được thải ra ngoài theo phân chứ không được hấp thụ vào cơ thể của bạn.
3 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn đậu bắp
Người mắc bệnh đường ruột
Mặc dù đậu bắp tốt cho dạ dày, kích thích tiêu hóa nhưng người đang mắc bệnh về đường ruột lại không nên ăn nhiều do đậu bắp có chứa fructan - một dạng carbohydrate có thể gây ra tình trạng tiêu chảy. Bên cạnh đó, những người mắc hội chứng ruột kích thích cũng không nên ăn đậu bắp.
Người bị viêm khớp
Trong đậu bắp chứa solanine, đây là chất không có lợi đối với bệnh viêm khớp. Thậm chí solanine sẽ làm cho bệnh tình ngày một nặng hơn. Dù chưa có nghiên cứu cụ thể về việc hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa solanine nhưng tốt nhất nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này tránh gây kéo dài tình trạng viêm.
Người đang mắc bệnh sỏi thận
Trong quả đậu bắp có chứa một lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate. Do đó người mắc bệnh sỏi thận không nên tiêu thụ loại thực phẩm này.
Đậu bắp nên ăn bao nhiêu là đủ?
Mặc dù đậu bắp tốt nhưng có tính lạnh, với người bình thường nên tiêu thụ khoảng 150 đến 200 gam mỗi ngày là đủ. Với người người tỳ vị hư yếu thì 100 gam một ngày là đủ, không nên ăn nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của lá lách và dạ dày.
Đậu bắp có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon khác nhau như luộc, xào, nướng, chiên,... thậm chí bạn có thể ép đậu bắp thành nước để sử dụng. Tuy nhiên, không nên nấu đậu bắp quá chín kỹ để tránh việc làm mất các chất nhầy, cũng như bảo toàn chất dinh dưỡng có trong chúng.
Đế phát huy công dụng, nên ăn đậu bắp một cách điều độ và xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng. Lạm dụng đậu bắp có thể khiến bạn gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Cách dùng nước đậu bắp đơn giản nhất: Lấy 4 trái đậu bắp rửa sạch, cắt bỏ đầu đuôi, nếu thích có thể cắt đôi, rồi ngâm vào 1 cốc nước lọc để qua đêm. Uống cốc nước này vào buổi sáng khi bụng rỗng và ăn sáng sau 30 phút.