Hà Nội đang trong đợt nắng nóng đỉnh điểm khi nhiệt độ luôn ở mức 38-40 độ C, gây khó chịu, mệt mỏi. Thậm chí, Zing.vn ghi nhận nhiệt độ buổi trưa tại Hà Nội lên tới gần 48 độ C.
|
Trưa 2/6, nhiệt kế áp sát mặt đường hiển thị con số 56,1 độ C tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Những căn bệnh trẻ có thể mắc khi nắng nóng
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ba ngày gần lại đây bệnh nhân tới khám khoảng 3.200 - 3.300 bệnh nhi. Số lượng này không nhiều hơn so với ngày bình thường. Các bệnh nhi vẫn khám rải rác ở các khoa.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), với thời tiết nắng nóng ghi nhận mấy ngày gần đây và dự kiến còn kéo dài, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh do nắng nóng. Thời tiết nắng nóng dễ làm thức ăn ôi thiu nên người ăn, đặc biệt trẻ em dễ bị ngộ độc thực phẩm. Nhiều trẻ còn bị sốt, ho, nôn, tiêu chảy, say nắng say nóng, thậm chí viêm não.
Đại tá Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện 103 - cũng cho biết những ngày gần đây, bệnh nhân chưa tăng đột biến nhưng rải rác và có ghi nhận các cháu nhỏ vào cấp cứu.
Theo bác sĩ Tiến, trẻ thường bị sốt viêm họng, viêm phế quản, viêm đường hô hấp nhiều hơn sốt virus. Nguyên nhân là thói quen dùng điều hòa của bố mẹ. Khi nắng nóng, mọi người thường có thói quen bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp. Lúc đó nhiệt độ ở trong phòng lạnh nhưng bên ngoài lại quá nóng. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong phòng và ngoài trời sẽ làm cơ thể không thích ứng kịp khi từ trong phòng ra ngoài hoặc ngược lại.
|
Nắng nóng khiến trẻ có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh. Ảnh: Lê Hiếu. |
Còn thạc sĩ Vũ Thị Thúy Lan - nguyên Trưởng khoa Hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pôn - cho biết trẻ bị bệnh vào mùa nóng đa số là do mất nước hay nhiễm siêu vi. Đó là những loại virus gây bệnh như siêu vi hợp bào gây bệnh viêm đường hô hấp, siêu vi quai bị, thủy đậu, tiêu chảy hoặc ói cấp tính. Ngoài ra có nhiều loại siêu vi gây bệnh thành dịch như cúm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ.
Người mắc bệnh có thể lây lan do tiếp xúc với dịch tiết, dịch bắn ra từ hắt hơi, ho sổ mũi, nhanh chóng lan truyền nếu ở chỗ đông người như ở chợ, trường học.
Nhiều loại siêu vi gây bệnh ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ có thể biến chứng sinh một số bệnh khác nhau (viêm hầu, họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa...).
Tăng cường sức đề kháng giúp trẻ phòng bệnh
Theo các chuyên gia, sức đề kháng yếu là một nguyên nhân lớn khiến trẻ dễ mắc các bệnh khi trời nóng. Do đó, việc chăm sóc trẻ trong chế độ ăn uống rất quan trọng.
Bác sĩ Lan khuyến nghị bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, trái cây, ăn uống đủ chất, đặc biệt chú trọng việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng bởi mùa nóng, trẻ thường ngại ăn, uống.
Về điều này, TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia), chia sẻ những tháng hè trẻ đến khám và tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng thường tăng cao đột biến.
Để cải thiện tình trạng biếng ăn trong những ngày hè cho trẻ có cách đơn giản nhất là hãy tạo không gian thoáng mát. Ở những gia đình không có điều hòa có thể tắm nhiều cho trẻ. Một ngày có thể tắm 2-3 lần/ngày sẽ giúp giảm bớt nhiệt, trẻ dễ chịu và ăn uống tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần tăng cường cho con ăn rau củ, trái cây tươi, uống nhiều nước. Cho trẻ ăn đủ chất bột đường để sản sinh năng lượng. Trẻ dưới một tuổi cần phải kiểm tra cân nặng hàng tháng. Nếu thấy trẻ sút cân thì phải điều chỉnh chế độ ăn của trẻ ngay.
"Các vi chất nên được bổ sung gồm vitamin A, vitamin C, vitamin D, đặc biệt là kẽm, vi chất thiếu hụt rất nhiều ở trẻ em Đông Nam Á. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch. Bổ sung vi chất này, đặc biệt trong khi trời nắng nóng sẽ giúp làm giảm các trường hợp tiêu chảy, viêm phổi và giúp trẻ tăng cân hiệu quả sau ốm", TS Nga cho biết thêm.
Sau khi trẻ ốm, các gia đình cần chăm sóc trẻ bằng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh đi vào chỗ nắng nóng nhiều và đông người.