Giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút gây bệnh phát triển, nhất là vi rút cúm. Bệnh cúm tuy thường diễn biến nhẹ, nhưng lại khá nguy hiểm ở một số người có bệnh nền khác, thậm chí dẫn tới tử vong.
|
Bệnh cúm có thể biến chứng nặng ở trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính. Ảnh: TTXVN |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các chủng cúm mùa lưu hành chủ yếu hiện nay bao gồm: Cúm A(H1N1), cúm A(H3N2) và cúm B. Đặc biệt chủng cúm A(H1N1) khá phổ biến chiếm từ 20 - 50% số ca mắc cúm, với các biều hiện đặc trưng giống như khi mắc các chủng cúm mùa khác, như: Sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng...
Ở những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ em và phụ nữ có thai; người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường… có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Bệnh cúm dễ lây lan qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).
Để phòng bệnh cúm mùa, đặc biệt là cúm A(H1N1) một cách hữu hiệu, người dân có thể chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi người nên tiêm 1 liều vắc xin cúm mỗi năm, có thể tiêm vắc xin cúm bất cứ lúc nào trong suốt mùa cúm, tốt nhất tiêm trước khi mùa cúm bắt đầu khoảng 1 tháng.
Những đối tượng cần được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm được khuyến cáo là: Người lớn từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh tim phổi mạn tính như: hen phế quản, COPD, trẻ bị hen suyễn; người lớn hay trẻ em bị các bệnh đái tháo đường hay thận mạn tính; phụ nữ có thai trong mùa cúm; người lớn hay trẻ em bị nhiễm HIV hay được ghép tạng, trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi phải dùng aspirin lâu ngày; những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như nhân viên y tế, người sống chung với người có nguy cơ bị biến chứng do cúm cao…
Để phòng bệnh cúm, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo: Người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
Bên cạnh đó, người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh .
Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc khi bị cúm.