Nhập viện vì áp lực thi cử
Gần đây, một nam sinh 15 tuổi phải nhập viện gấp vì áp lực thi cử. Thông tin trên Zingnews.vn ngày 7/6 cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật Tụy, Bệnh viên Bạch Mai, vừa phẫu thuật viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng cho một học sinh.
Bệnh nhân là N.X.Đ. (nam, 15 tuổi), có tiền sử viêm dạ dày tá tràng đã điều trị nội khoa nhiều đợt. Gần đây, lo lắng chuyện thi cử, luyện thi nên Đ. đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Sau một ca học thêm buổi tối, Đ. về nhà thì bị đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao.
Gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng có hội chứng nhiễm trùng rõ, bụng đau co cứng như khúc gỗ. Tại bệnh viện, bác sĩ mổ cấp cứu phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân. Sau 5 ngày điều trị, Đ. được ra viện nhưng vẫn tiếp tục điều trị thuốc và theo dõi khám lại.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, vào tháng 4/2023, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu cho một bệnh nhi 15 tuổi nôn ra máu do ổ loét dạ dày. VTV dẫn thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 23h đêm trước ngày nhập viện, bệnh nhi ăn đêm sau khi đi học thêm về, khoảng 1 giờ sau ăn xuất hiện đau bụng thượng vị, buồn nôn và nôn ra thức ăn kèm dịch máu màu đen số lượng nhiều.
Được biết, bệnh nhi xuất hiện đau bụng âm ỉ thượng vị khoảng 1 tháng trước và đã đi khám và dùng thuốc nhưng không đỡ, bệnh nhi thường xuyên thức khuya và ăn đồ chua cay.
Có thể thấy, tình trạng loét, thủng dạ dày - tá tràng có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường. Một số nguyên nhân dẫn đến căn bệnh là do thói quen ăn uống thiếu khoa học, trong đó có lạm dụng đồ ăn nhanh, ăn nhiều đồ chua, cay; ăn muộn không đúng giờ; áp lực, căng thẳng trong học tập, thi cử, thức khuya...
Phụ huynh nên làm gì giúp con tránh căng thẳng?
Theo Telegraph, bằng cách chăm sóc chu đáo, đồng cảm, đề xuất thói quen lành mạnh cho con,...cha mẹ có thể giúp con giảm bớt áp lực thi cử.
- Cha mẹ có thể tạo ra môi trường giúp con không bị phân tâm hay quấy rầy, khuyến khích con ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc.
- Tránh so sánh con mình với những người khác, không tạo áp lực cho con.
- Dành cho con những lời nói thể hiện sự yêu thương và hỗ trợ vô điều kiện để khuyến khích con.
- Động viên và nhắc nhở con đừng bận tâm về những điều đã xảy ra sau khi thi xong.
Đối phó với cảm giác căng thẳng trong kỳ thi thế nào?
Tiến sĩ Sandeep Vohra, bác sĩ tại bệnh viện Indraprastha Apollo (Ấn Độ), đã đưa ra một số lời khuyên cho các sĩ tử có thể giúp giảm cảm giác căng thẳng hiệu quả:
- Lập thời gian biểu ôn bài.
- Ngủ đủ giấc (6 đến 8 tiếng), đặc biệt là vào ngày trước thi.
- Chia sẻ về sự lo lắng của bản thân cũng có thể giúp giảm bớt áp lực, giải tỏa cảm xúc bị kìm nén.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp duy trì năng lượng. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và cay, thay vào đó, bạn nên chọn nước trái cây và rau xanh.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Không nhịn được cười với "mũ chống gian lận thi cử" ở Philippines