Thế giới có khoảng 220-250 triệu người bị dị ứng thức ăn. Trẻ em dị ứng thức ăn cao hơn người lớn với tỷ lệ khoảng 5-8%, so với 1-2% ở người lớn. Các thức ăn thường gây dị ứng là đạm sữa bò, đạm trứng gà, đậu nành, đậu phộng, các loại hạt, hải sản (tôm, cua, cá), bột mì…
Theo bác sĩ Phạm Hoàng Thắng, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), dị ứng thức ăn thường đi kèm các bệnh lý dị ứng khác. Ví dụ, khoảng 90% trẻ bị chàm nặng, 10% trẻ hen phế quản kèm theo dị ứng thức ăn.
Thực tế, nhiều phụ huynh dè dặt khi cho trẻ ăn trứng gà vì sợ dị ứng, nhất là giai đoạn tập ăn. Dị ứng trứng có thể gặp các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, đỏ và chảy nước mắt, sưng cổ họng hay môi, lưỡi… Ở mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể bị phù mạch, khó thở, tim nhanh, hạ huyết áp, sốc, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Lý giải tình trạng này, các bác sĩ cho biết lòng trắng trứng gà là nguồn gây dị ứng chính, gồm 23 protein, dị nguyên chủ yếu là Gal d1, Gal d2 (chiếm 54 % của các protein), Gal d3 và Gal d4. Phần lớn các dị nguyên lòng trắng trứng nhạy cảm với nhiệt độ, nên khi trứng chín có thể dung nạp trong vài trường hợp. Gal d1 mang tính chất dị ứng mạnh nhất.
Để chẩn đoán dị ứng trứng gà, bác sĩ dựa vào bệnh sử, lâm sàng, cận lâm sàng như xét nghiệm lẩy da, IgE đặc hiệu, chế độ loại bỏ dần thức ăn gây dị ứng, kiểm tra kích thích đường miệng….
Điều đáng mừng là khoảng 50% trẻ bị dị ứng trứng gà chữa được ở 3 tuổi và 66% ở 5 tuổi. Để phòng ngừa, trẻ cần tránh sử dụng các sản phẩm chứa trứng, phụ huynh cần đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên các nhãn sản phẩm. Lưu ý có một số thức ăn bán sẵn có thể có chứa trứng như bánh bông lan, súp, kem, sốt mayonnaise….