Các chuyên gia cho biết, ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị có thể gây những tác hại xấu, trong đó có việc làm tăng tỷ lệ tử vong do virus corona.
Khi số người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng trên toàn thế giới, các chuyên gia đã cảnh báo rằng những người trên 60 tuổi, cũng như những người có bệnh nền từ trước, như bệnh tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp mãn tính... sẽ là những người có nguy cơ cao nhất.
|
Virus corona có thể tấn công cơ thể con người nghiêm trọng hơn nếu sống trong điều kiện ô nhiễm môi trường. |
Ô nhiễm không khí, có tác động mạnh mẽ hơn ở các cộng đồng có thu nhập thấp, cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh được đề cập ở trên. Theo một nghiên cứu, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Do những vấn đề về sức khỏe đó, các bệnh về đường hô hấp như Covid-19 có thể có tác động nghiêm trọng hơn đối với người dân thành phố và cộng đồng tiếp xúc với bầu không khí độc hại hơn những người khác.
Cụ thể, Tiến sỹ Aaron Bernstein, thuộc Trường Y tế cộng đồng Harvard TH Chan, cho biết: “Những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều và những người hút thuốc lá sẽ bệnh nặng hơn nếu bị nhiễm Covid-19, so với những người đang được hít thở bầu không khí trong lành hơn, cũng như không hút thuốc”.
Những vụ bùng phát dịch bệnh trước đây đã cung cấp một số bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí khiến con người có nguy cơ tử vong cao hơn.
Các nhà nghiên cứu nghiên cứu về dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003 đã phát hiện ra rằng, người bệnh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí nặng hơn có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người sống ở những nơi ít ô nhiễm hơn.
Video "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.