Hoặc đã từng sinh con hay sẩy thai rồi sau 2 năm trở lên không có thai lại được gọi là hiếm muộn hay vô sinh thứ phát. Đây là tình trạng bệnh lý khá thường gặp và đang có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của không ít gia đình.
Trong y học cổ truyền, hiếm muộn ở phụ nữ thuộc phạm vi các chứng như “bất dựng”, “toàn vô tử”, “đoạn tự”... và được trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có việc lựa chọn và sử dụng các món ăn - bài thuốc để hỗ trợ điều trị.
|
Vị thuốc nhục thung dung hỗ trợ trị liệu hiếm muộn. |
Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng một trong số những phương thuốc chữa hiếm muộn sau:
Bài 1: Thịt dê 100g, nhục thung dung 15g, hành củ 3 củ, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Thịt dê rửa sạch, băm nhỏ; nhục thung dung, hành củ và gừng thái vụn, tất cả đem ninh với gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày, 10-15 ngày là một liệu trình. Dùng cho trường hợp hiếm muộn do thận dương hư biểu hiện bằng các triệu chứng như gầy yếu, nhợt nhạt, sợ lạnh, tay chân lạnh, đau lưng mỏi gối, nhu cầu tình dục thấp, kinh nguyệt chậm, lượng ít, sắc nhạt hoặc kinh nguyệt ít có hay bế kinh, tiểu tiện trong, đại tiện lỏng loãng.
Bài 2: Thịt dê 150-200g rửa sạch thái lát mỏng; tôm nõn 30g rửa sạch; tỏi, hành và gia vị vừa đủ. Cho tôm nõn vào nồi nấu chín với một lượng nước thích hợp, sau đó bỏ thịt dê vào đun sôi vài dạo là được, chế đủ gia vị, dung làm canh ăn nóng. Công dụng: ôn thận noãn cung, ích xung chủng tử, thích hợp với phụ nữ hiếm muộn thể thận dương hư.
Bài 3: Gạo tẻ 100g vo sạch nấu thành cháo loãng, khi được lấy cao ban long 20g, thái vụn bỏ vào cùng với gừng tươi thái chỉ 6g và gia vị vừa đủ, đun sôi vài dạo là được, chia 2 lần trong ngày ăn nóng, 15-20 ngày là một liệu trình. Dùng cho các trường hợp hiếm muộn thuộc thể thận dương hư với các chứng trạng như với bài 1.
Bài 4: Hải sâm 30g, thận lợn 60g rửa sạch, thái mỏng, hồ đào nhục 15g, ba thứ đem nấu chín, chế đủ gia vị ăn liên tục trong vài tuần. Công dụng: ôn thận dương, bổ thận âm, dùng cho trường hợp hiếm muộn do thận hư nói chung có kèm theo đau eo lưng, tai ù, suy giảm trí nhớ, rối loạn kinh nguyệt...
Bài 5: Gạo nếp 500g ngâm nước một đêm, để ráo, rang chín, nghiền thành bột mịn; hoài sơn 60g sao vàng, tán bột, hai thứ trộn đều với nhau, đựng trong lọ kín, dùng dần. Mỗi ngày lấy chừng 50g bột, thêm đường vừa đủ và một chút hạt tiêu bột, hòa với nước ấm, uống vào sáng sớm khi bụng đói. Công dụng: ôn thận kiện tỳ, dùng cho trường hợp hiếm muộn do tỳ thận hư suy biểu hiện bằng các chứng trạng như đầy bụng, chán ăn, đau lưng mỏi gối, lượng kinh nguyệt ít, sắc nhạt, đại tiện lỏng nát...
Bài 6: Núm bí ngô lượng vừa đủ, sấy khô, nghiền thành bột mịn, đựng trong lọ kín, dùng dần. Mỗi lần lấy 10g chiêu với một chút rượu vàng, mỗi ngày 3 lần, uống liền 5-6 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Dùng chung cho các thể phụ nữa hiếm muộn.
Bài 7: Đậu đen 60g đãi sạch, thịt chó 500g rửa sạch, thái quân cờ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng, mỗi tuần 2-3 lần. Công dụng: ôn bổ tỳ thận, ích xung chủng tử, dùng cho các trường hợp phụ nữ hiếm muộn do thận hư, lãnh cung. Những người nhiệt thịnh không nên dùng.
Bài 8: Gai bồ kết 30g đem sắc kỹ trong 20 phút rồi lấy nước bỏ bã, cho 50g gạo tẻ vào nấu thành cháo, ăn trong ngày, dùng liên tục, kỳ kinh nguyệt thì ngừng. Công dụng: hành khí, sơ can, giải uất, dùng cho trường hợp hiếm muộn thể can uất khí trệ với các biểu hiện như tinh thần căng thẳng, dễ cáu giận, hay tức ngực sườn, kinh nguyệt không đều, trước kỳ kinh vú trướng tức, hành kinh đau bụng nhiều, lượng ít sắc tối, có máu cục, thường bị viêm nhiễm phần phụ…
Bài 9: Thục địa 60g, kỷ tử 60g, trầm hương 6g, các vị thái vụn đem ngâm với 1.000ml rượu gạo ngon, bịt kín miệng, đặt ở nơi tối, mỗi ngày lắc đều một lần, sau chừng 15 ngày thì dùng được, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một chén nhỏ, trong kỳ kinh và sau kỳ rụng trứng không nên dùng. Thích hợp cho phụ nữa hiếm muộn do can thận hư.
Nhìn chung, các món dược thiện nói trên đều đơn giản, dễ kiếm, dễ chế và dễ dùng, có tác dụng hỗ trợ trị liệu phụ nữ hiếm muộn ở một mức độ nhất định. Vấn đề quan trọng vẫn là phải tìm ra nguyên nhân để có biện pháp chữa trị đặc hiệu, kết hợp với ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý, kiên trì tập luyện và động phòng đúng lúc.