Những năm gần đây, nhộng ve sầu hay còn gọi là ve sầu non trở thành món đặc sản được nhiều người tìm mua mặc dù giá khá đắt đỏ. Mùa hè là thời gian sinh sản và hoạt động của ve sầu, đây cũng là thời điểm duy nhất trong năm để nhiều người tìm kiếm nhộng ve sầu.
|
Nhộng ve sầu là món ăn lạ được nhiều dân nhậu săn lùng. |
Nhộng ve sầu chỉ có một mùa trong năm, thường khoảng từ tháng 5 đến tháng 7. Người săn nhộng ve phải canh bắt khi ve còn ở giai đoạn nhộng, còn non, chưa mọc cánh bởi lúc này nhộng khá béo và mềm, ăn ngon.
Dù có giá bán đắt đỏ từ 300.000-500.000 đồng/kg nhưng nhộng ve sầu vẫn được nhiều người săn lùng về làm mồi nhậu.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, nếu không cẩn thận trong khâu chọn lọc, bảo quản, chế biến, ve sầu non dễ biến thành thực phẩm mất an toàn, khả năng gây ngộ độc rất cao, thậm chí không được cấp cứu kịp thời khi bị ngộ độc có thể nguy hiểm đến tính mạng.
|
Nhộng ve sầu sống trong đất nên bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng. |
Hồi tháng 5/2019 tại Quảng Ninh, một người đàn ông phải nhập viện với các biểu hiện sốc phản vệ sau khi ăn ve sầu và uống rượu. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III do ăn ve sầu, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ.
Đáng chú ý là từng có một người đàn ông ở Bình Phước tử vong do ăn ve sầu non vào tháng 5/2014.
Theo các chuyên gia, nhộng ve sầu sống trong đất nên bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng. Những độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ, không bị mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa, do đó dù đã chiên, xào kỹ, độc tố nấm từ các ấu trùng vẫn có khả năng gây ngộ độc.
Đặc biệt, nấm gyrommitrin thường sống ký sinh trên thân ve sầu thì rất độc. Nếu không may ăn phải những con ve bị nhiễm loại nấm này thì nguy cơ bị ngộ độc rất cao.
|
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, nhất là đồng bào dân tộc tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ. |
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Nhộng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa không thích hợp. Đối với nhộng con ve sầu, do nó sống trong môi trường đất cũng tạo cơ hội cho kí sinh trùng bám vào nhộng. Việc ăn nó có thể khiến kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể gây nguy hiểm".
Mời độc giả xem video "Chế biến món ngon từ nấm đông cô". Nguồn: VTC.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, nhất là đồng bào dân tộc tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ để chế biến thành thức ăn.
Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.