Mẹo để sống không luyến tiếc

Google News

Để không phải lúc nào cũng bị ám ảnh bởi câu “Giá mà …”, các nhà khoa học khuyên bạn hãy viết ra những lo lắng của mình lên một tờ giấy, xé nát rồi đem vứt nó đi.

Khi con người bị các nuối tiếc ám ảnh và cảm thấy bản thân không thể dứt ra khỏi chúng, họ có thể trở nên vô cùng lo lắng và thường rất buồn phiền. Họ sẽ luôn có tâm trạng tiêu cực và trải qua những triệu chứng phổ biến của stress, ví dụ như tim đập thình thịch, tay ướt sũng mồ hôi, đau đầu liên miên, ợ nóng và mất ngủ.

Một nghiên cứu do tiến sĩ Jos Brosschot thuộc Đại học Leiden ở Hà Lan tiến hành cho thấy, một dạng stress có tên trầm ngâm tư lự hay xu hướng suy nghĩ ủ ê về các sự kiện suốt nhiều giờ đồng hồ hoặc nhiều ngày sau đó hoặc thậm chí lo lắng về chúng trước cả khi chúng xảy ra, đặc biệt có hại cho sức khỏe.

Meo de song khong luyen tiec

Người trẻ thường bị các nuối tiếc ám ảnh hơn người cao tuổi. Ảnh: Discovery

Đây là tình trạng thường thấy nhất ở những người trẻ tuổi, như một nghiên cứu khác từng chỉ ra rằng các nuối tiếc dằn vặt chúng ta sẽ ít dần đi khi chúng ta già hơn.

Theo tờ Daily Mail, các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Đại học ở Hamburg đã quan sát và chụp não của 60 người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 – 65 khi họ thực hiện những nhiệm vụ có tính mạo hiểm và dễ gây thất vọng. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, vào độ tuổi 65, chúng ta ít luyến tiếc hơn, bình thản hơn và dường như ít bị những thứ “giá mà…” gặm nhấm tâm can.

Điều đó không có nghĩa, chúng ta không nên luyên tiếc điều gì. Trái lại, ở mức độ nhỏ, hành động đó lại rất lành mạnh, giúp chúng ta học hỏi từ các sai lầm và quyết tâm không lặp lại chúng nữa.

Tuy nhiên, khi các nuối tiếc trở thành nỗi ám ảnh gây hại, bạn cần phải tìm cách thoát khỏi chúng. Lời khuyên của các chuyên gia dành cho bạn là hãy thử các kỹ thuật thư giãn về thể chất hoặc liệu pháp kết hợp nhiều kỹ thuật suy ngẫm khác nhau nhằm phá vỡ chu kỳ lo lắng bằng cách tạo thay đổi cho các kênh thần kinh.

Nếu bạn hối tiếc về những thói quen xấu mà bạn dường như không thể kiểm soát được, ví dụ như hút thuốc hoặc uống rượu quá nhiều, hãy tâm niệm rằng: “Tôi không thích hành vi của mình. Nhưng nó không khiến tôi trở thành người xấu. Tôi có thể thay đổi”. Các nghiên cứu phát hiện, dù bạn từ bỏ các thói quen xấu vào thời điểm nào, bạn đều có thể cải thiện sức khỏe của mình.

Nghe có vẻ ủy mị nhưng nếu bạn cảm thấy buồn lòng và tội lỗi về việc làm tổn thương người khác, hãy thừa nhận sai lầm và xin lỗi.

Nếu những nuối tiếc còn khiến bạn cảm thấy xấu hổ, hãy viết liệt kê chúng vào một mẩu giấy, sau đó xé và vứt bỏ nó đi. Đây là mẹo đơn giản nhưng sẽ giúp “khổ chủ” rũ bỏ điều nuối tiếc và cảm thấy bình tĩnh hơn. Nhiều chuyên gia trị liệu sử dụng biện pháp này, không chỉ cho các bệnh nhân bị ám ảnh bởi các luyến tiếc mà còn trong những trường hợp vừa xảy ra tan vỡ một mối quan hệ

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)