Hệ tiêu hóa mỗi người chứa hàng chục tỷ vi sinh vật giúp cơ thể người loại bỏ các chất độc và vi khuẩn lạ xâm nhập qua đường ăn uống. Những lợi khuẩn này còn giúp hình thành những nhân tố miễn dịch, vitamin K cùng các chất béo chuỗi ngắn giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện chức năng tiêu hóa.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh), cho biết lợi khuẩn sẽ từ cơ thể mẹ sang cơ thể bé trong thời kỳ mang thai. Sau khi chào đời, lợi khuẩn có thể gia tăng trong hệ đường ruột của bé thông qua con đường ăn uống bằng việc bổ sung những thực phẩm lên men probiotics và men vi sinh bổ sung.
Theo Tổ chức Tiêu hóa – Gan mật thế giới (WGO), chủng khuẩn được công nhận có lợi cho sức khỏe phải thân thiện với hệ vi sinh của con người hoặc hệ vi sinh đặc biệt của bé. Chúng phải có khả năng chống lại nồng độ axit dạ dày và dịch mật để đến được ruột non và có ích cho sức khỏe con người.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết những chủng khuẩn probiotics có lợi này sẽ giúp cơ thể người lớn và trẻ em chống lại và ngăn ngừa diễn tiến các tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn và những tác nhân dị ứng. Chúng còn có tác dụng cải thiện và giảm các triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở bé như ho, sổ mũi, nghẹt mũi.
Bổ sung lợi khuẩn còn giúp cải thiện tình trạng táo bón và giảm số lần tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh ở cả người lớn và trẻ em. Bổ sung những chủng khuẩn có lợi còn giúp cải thiện chứng khóc dạ đề và nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non.
Cách chọn sữa chua cho bé giàu lợi khuẩn đường ruột
Theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, cha mẹ chọn sữa chua cho bé cần ưu tiên chọn loại ít đường và ưu tiên sản phẩm bổ sung lợi khuẩn probiotics.
Sữa chua ít đường sẽ hạn chế lượng đường mỗi ngày để có thể linh động kết hợp với trái cây hoặc các loại hạt nhằm gia tăng nguồn vitamin, chất khoáng và chất đạm. Bên cạnh đó, để biết được sự có mặt của các lợi khuẩn probiotics trong sữa chua, cha mẹ nên đọc thành phần ghi bên ngoài vỏ sản phẩm.
Ước tính 100g sữa chua sẽ cung cấp 100g kcal; 3,1g đạm; 3g chất béo; canxi và một số vitamin và lợi khuẩn đường ruột probiotics quan trọng. Từ 6 tháng tuổi, cha mẹ đã có thể bắt đầu cho bé ăn sữa chua để thúc đẩy sự phát triển của hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, khi chọn sữa chua hoặc sữa chua uống lên men cần chọn loại màu trắng, không đường và kết hợp với trái cây tươi tự làm để bé thưởng thức. Trẻ từ 1 – 3 tuổi, cha mẹ nên chọn sữa chua hoặc sữa chua uống ít đường kết hợp cùng trái cây tươi. Sau 3 tuổi, cha mẹ có thể chọn sữa chua loại không đường, ít đường và cả có đường trộn cùng trái cây cho bé.
Thời điểm thích hợp cho bé ăn sữa chua là sau bữa ăn. Lúc này, dạ dày co bóp tích cực cùng nồng độ pH axit tăng từ 2 lên 3 – 5 là điều kiện lý tưởng cho các lợi khuẩn hoạt động. Cha mẹ cũng cần nhắc trẻ súc miệng sau khi ăn sữa chua vì các lợi khuẩn probiotics hoạt động mạnh rất dễ làm hỏng men răng.