Giấc ngủ giúp bạn tươi tỉnh hơn phần nào vì nó khởi động cơ chế "dọn dẹp" trong não bộ, tự xóa sổ những tế bào não đã hao mòn, hư hỏng.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Neuroscience, tiến sĩ Michele Bellesi đến từ Đại học Marche Polytechnic (TP Ancona- Ý) phát hiện ra rằng mất ngủ không những không làm cơ chế này kém đi, mà còn khiến nó hoạt động quá mức.
|
Mất ngủ làm rối loạn hoạt động não bộ, gây hao hụt các khớp thần kinh, dẫn tới Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ khác - ảnh: SHUTTERSTOCK. |
Trong não bộ con người có các tế bào hình sao gánh vác nhiều nhiệm vụ: bảo vệ các tổ chức não, cung cấp dinh dưỡng cho não, tham gia điều phối các tín hiệu thần kinh và cả loại bỏ những tế bào hư hỏng.
Tế bào hình sao ở người mất ngủ hoạt động quá mức nên thay vì chỉ dọn những thứ hư hỏng, chúng xóa sổ luôn cả các tổ chức lành lặn trong não bộ. Thứ bị ăn chủ yếu là các khớp thần kinh, vốn là phần nối giữa các nơ-ron giúp dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
Theo nhiều nghiên cứu trước đây, việc mất mát các khớp thần kinh và các tế bào thần kinh khác là nguyên nhân lớn của nhóm bệnh mất trí nhớ - sa sút trí tuệ như Alzheimer.
Để đi đến kết luận này, tiến sĩ Michele Bellesi và các cộng sự đã theo dõi 4 nhóm chuột thí nghiệm: một nhóm được ngủ thoải mái 6-8 tiếng, nhóm thứ 2 bị dở giấc vì đánh thức bất ngờ, nhóm thứ 3 mất ngủ cả đêm, nhóm thứ 4 không được ngủ trong 5 ngày liên tục.
Việc các tế bào hình sao "ăn" các tổ chức lành đã được quan sát rất rõ ràng trong các nhóm mất ngủ. Độ mất ngủ càng nghiêm trọng, chuyện dọn dẹp lầm lẫn và vô tổ chức của các tế bào hình sao càng nặng nề.
Tế bào hình sao xuất hiện dày đặc trong vị trí của các khớp thần kinh, lên đến 13,5% ở các con chuột mất ngủ liên tục, 8,4% ở các con chuột không được ngủ 1 đêm, 7,3% ở những con bị dở giấc và chỉ 5,7% ở con được ngủ đủ.
Các bước nghiên cứu tiếp theo cho thấy mất ngủ có thể dẫn đến tác động tương tự ở người nhưng các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm xem việc ngủ đủ trở lại có thể giúp đảo ngược tình thế, ngăn bệnh Alzheimer hay không.
Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác đang trở thành nguyên nhân tử vong sớm hàng đầu ở nhiều quốc gia, khiến các nhà khoa học, các bác sĩ khắp thế giới "chạy đua" tìm cách dự phòng và điều trị.