Khi người trẻ đi tiểu cả trăm lần mỗi ngày
Gõ cửa phòng khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, Đại học Y Hà Nội, Hoài Anh, 24 tuổi tỏ rõ sự mệt mỏi trên khuôn mặt. Xinh đẹp, cao ráo nhưng cô đang phải vật lộn với chứng bệnh oái oăm. Đó là buồn đi tiểu với con số "khủng" đến hàng trăm lần mỗi ngày.
Cứ 5 phút, Hoài Anh buồn tiểu một lần. Lượng nước tiểu mỗi lần không nhiều nhưng nó đủ làm cô khốn khổ, không thể tập trung vào bất cứ thứ gì ngoài…nỗi sợ đi tiểu.
Đã từng khám chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, Hoài Anh đành phải…”đeo bỉm” đi làm. Cả ngày chung sống với cái bỉm, cô gái trẻ chỉ muốn tìm đến cái chết vì luôn cảm thấy mình hôi hám “không giống ai”.
Hoài Anh mặc cảm đến nỗi không dám nghĩ tới chuyện yêu đương, không dám đi du lịch bất cứ đâu. Nhiều lúc cô chỉ ước có một phép màu nào đó cho cô khỏi chứng bệnh oái oăm này.
|
Đi tiểu đến hàng chục, hàng trăm lần mỗi ngày khiến cuộc sống của người bệnh không thể tập trung làm bất cứ thứ gì. Ảnh minh họa. |
Tiếp nhận trường hợp bệnh nhân đặc biệt này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cảm thấy vô cùng xót xa. Chỉ trong vòng một tháng sau Tết nguyên đán, Bác sĩ Liên tiếp nhận tới 8 ca bệnh tương tự như vậy. Trong đó có 5 người là nữ giới.
Có nữ sinh 18 tuổi, nước tiểu rỉ cả ngày, phải đeo bỉm khi đi học đã khóc khi nói với bác sĩ Liên rằng: “Cháu chỉ muốn bỏ học, về quê chăn trâu cắt cỏ vì bị bạn bè trêu đùa, xa lánh”. Còn bà mẹ cô khóc không ngừng vì nỗi lo: “Không biết sau này cháu có lấy được chồng không?”.
Có cặp vợ chồng đến gặp anh và chia sẻ nỗi khổ cứ mang thai là sảy vì bệnh lý rỉ buồn tiểu cả ngày. Nước tiểu rỉ ra suốt ngày khiến người vợ bị nhiễm trùng đường tiểu, cơ quan sinh dục, gây sảy thai và chị mãi không được làm mẹ.
“Mắc phải hội chứng bàng quang kích thích, nhiều cô gái, chàng trai trẻ vô cùng khổ sở vì đi tiểu từ vài chục lần đến cả trăm lần mỗi ngày. Cuộc sống, công việc, học tập của họ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cơ thể hôi hám, không tập trung làm gì được và bị mọi người kỳ thị!”, Bác sĩ Liên cho biết.
Số người “giấu bệnh” vẫn còn nhiều trong cộng đồng
Theo cảm nhận của bác sĩ Đình Liên qua thực tế khám và điều trị, số người mắc hội chứng “đeo bỉm suốt ngày” trong cộng đồng là khá nhiều. Tuy nhiên, do mặc cảm, thói quen chữa bệnh theo lời truyền miệng và trình độ hiểu biết nên số người bệnh tới bác sĩ khám còn nhỏ so với con số mắc trong cộng đồng.
“Đi tiểu nhiều đến vài chục lần, cả trăm lần một ngày thường gặp ở độ tuổi trưởng thành, đã có quan hệ tình dục, độ tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh do cơ thắt đường tiểu kém. Ngoài ra, viêm bàng quang, bất thường niệu đạo cũng có thể gây bệnh”, Bác sĩ Liên giải thích.
Để phát hiện và điều trị kịp thời hội chứng “đeo bỉm suốt ngày”, bác sĩ Liên khuyên người dân khi thấy các biểu hiện tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu bất thường nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thận - tiết niệu để thăm khám.
Bởi việc thăm khám sớm sẽ điều trị hiệu quả, thậm chí còn cứu được quả thận của bệnh nhân. Để điều trị hội chứng này, bệnh nhân cần được can thiệp ngoại khoa, uống thuốc và kết hợp bài tập co thắt nhịn tiểu để cắt cơn kích thích buồn tiểu. Hiệu quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào sự kiên trì của người bệnh.
“Tuyệt đối không nên giấu bệnh, tự ý dùng thuốc để cắt cơn buồn tiểu hay tự đi bốc thuốc theo lời truyền miệng vì việc làm này dễ gây biến chứng khó lường, kéo dài thời gian mắc bệnh khiến người bệnh càng thêm khổ sở”, Bác sĩ Liên nhắn nhủ.
* Họ tên nhân vật đã được thay đổi